image banner
Truyền thống văn hóa

LỄ GIỖ ĐỀN LONG KHỐT

I. Mở đầu

Vĩnh Hưng là một trong các huyện thuộc vùng Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, huyện có địa thế chiến lược đặc biệt quan trọng vì nằm án ngang tuyến đường hành lang biên giới Việt Nam - Campuchia từ Tăng Lèo đến Ba Thu, nối miền Tây và miền Đông Nam Bộ. Trong đó, chi khu Long Khốt (sau năm 1975 là đồn Long Khốt) nằm về hướng Đông Bắc thị trấn Vĩnh Hưng, sát biên giới Campuchia, là điểm trọng yếu chiến lược hàng đầu trên tuyến hành lang biên giới của huyện. Thông suốt tuyến hành lang này là điều kiện để ta vận chuyển quân lực, nhu yếu phẩm về chiến trường Long An, Đồng Tháp Mười, rồi xuống miền Tây và ngược lại. Với vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang biên giới này, Long Khốt, Vĩnh Hưng trở thành khu vực tranh chiếm ác liệt giữa ta và địch trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc. Khu vực Long Khốt là nơi lưu niệm sự kiện: chiến đấu và cống hiến to lớn của Sư đoàn 5 trong chiến dịch tấn công tổng hợp nhằm phá vỡ tuyến ngăn chặn của địch ở trung tâm Đồng Tháp Mười giai đoạn 1972 - 1975 và chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam tổ quốc của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An đầu năm 1978. Lưu niệm và tri ân hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã chiến đấu, hy sinh anh dũng trên chiến trường Long Khốt và 47 liệt sĩ của xã Thái Bình Trung, ngày 19/5/2000 nhân ngày khánh thành bia ghi danh 47 gồm liệt sĩ xã Thái Bình Trung và liệt sĩ đồn Long Khốt hy sinh qua các thời kỳ, nhân dân địa phương tự nguyện cùng nhau đến thắp hương, cúng giỗ liệt sĩ, gọi là “Lễ giỗ đền Long Khốt” và thành lệ cho đến ngày nay.

Anh-tin-bai

II. Nội dung

Từ năm 2000 - 2004, đối tượng tri ân tưởng niệm và giỗ là Bác Hồ và 47 liệt sĩ xã Thái Bình Trung và đồn Long Khốt hy sinh qua các thời kỳ. Buổi lễ còn ôn lại chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam đầu năm 1978.

Từ năm 2004 - 2005, ngoài những đối tượng nêu trên, nghi lễ còn thêm phần quan trọng là tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 5 hy sinh trên chiến trường Long Khốt. Đối tượng tín ngưỡng thờ thổ công.

Từ năm 2006 đến nay, con số liệt sĩ Trung đoàn 174 và các trung đoàn khác của Sư đoàn 5 được cập nhập bổ sung tăng đến hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Long Khốt. Vì vậy, chương trình nghi lễ ngày càng được tổ chức long trọng và chu đáo

Lễ hội này bao gồm lễ tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ do Đảng bộ, chính quyền địa phương và Sư đoàn 5 tổ chức có sự tham dự của đông đảo các cơ quan hữu quan và các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ Sư đoàn 5 kết hợp chặt chẽ với giỗ hội dân gian. Giỗ do người dân Thái Bình Trung và các xã lân cận tự nguyện tham gia đóng góp cùng nhau làm giỗ nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đãi khách tham dự. Trong những năm gần đây, lễ hội diễn ra theo hướng quy mô ngày càng lớn.

Chương trình lễ hội diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/5 như sau:

+Ngày 18/5, đón tiếp và bố trí chỗ nghỉ cho các đoàn khách là cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ, tổ chức lễ thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng trong đó có một số mộ các liệt sĩ của Sư đoàn 5, làm lễ thắp hương tưởng niệm tại bia, đền thờ liệt sĩ Long Khốt, dùng cơm thân mật, lễ thả hoa đăng và giao lưu văn nghệ hát với nhau.

+Ngày 19/5 có các chương trình như: đón tiếp đại biểu, trồng cây nhớ Bác, lễ thắp hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, văn nghệ chào mừng, tuyên lý do, giới thiệu đại biểu, đại diện Đảng ủy xã Thái Bình Trung báo cáo kết quả xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm trước và phương hướng nhiệm vụ năm sau, đại diện đồn Long Khốt ôn lại truyền thống, phát biểu của Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 174 và đại biểu, tặng quà cho các gia đình chính sách, khó khăn và học sinh nghèo, phát biểu đáp từ của UBND xã Thái Bình Trung, dùng cơm thân mật và văn nghệ giao lưu.

-Kinh phí, lễ hội tại di tích lịch sử đồn Long Khốt được thực hiện theo mô hình Nhà nước tổ chức và quản lý. Nhân dân tham gia đông đảo theo tinh thần tự nguyện tự giác. Phần chi phí lễ hội được nhân dân đóng góp tự nguyện và đủ chi cho lễ hội. Tinh thần đóng góp, tham gia lễ hội của nhân dân nơi đây rất đáng trân trọng: hàng năm, người dân đóng góp trên chục con bò, heo và các lễ vật khác để cúng liệt sĩ và đãi khách.

Nhìn chung, lễ hội ở di tích tương tự như lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ kết hợp với giỗ hội dân gian. Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền nhân dân địa phương và toàn thể đại biểu tham dự của Sư đoàn 5, thân nhân liệt sĩ ôn lại truyền thống, tri ân, thắp hương cho Bác Hồ, liệt sĩ, thổ công cầu mong cho quốc thới, dân an. Việc nhân dân tự nguyện tham gia, đóng góp cho lễ hội ngày càng đông thể hiện được tinh thần yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” ngày càng được vun bồi, nhân rộng

Giá trị lịch sử

Anh-tin-bai

Di tích lịch sử Khu vực đồn Long Khốt là địa điểm lưu niệm những sự kiện đặc biệt quan trọng của 2 giai đoạn lịch sử khác nhau, gồm: Những cống hiến, hy sinh to lớn của Trung đoàn 174 và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 5 giai đoạn 1972- 1975 trên chiến trường Long Khốt (Tuyên Bình) góp phần quan trọng làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, giải phóng vùng 8 (cuối tháng 12/1974), khai thông tuyến hành lang biên giới quan trọng giữa Đông và Tây Nam Bộ, làm tiêu hao, suy yếu quân lực địch ở Kiến Tường nói riêng và Long An nói chung, góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975); Ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại- chiến công 43 ngày đêm chống xâm lược biên giới Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ của bộ đội biên phòng và lực lượng vũ trang Long An năm 1978.

Tinh thần chấp hành nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Kiến Tường (1972-1975); cán bộ, chiến sĩ đồn Long Khốt và lực lượng vũ trang tỉnh Long An (1978) trên chiến trường ác liệt Long Khốt là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa yêu nước cách mạng. Tấm gương này được tạo nên bởi biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu và tính mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân mà mỗi khi soi rọi chúng ta có thể thấy rõ con đường đúng đắn để định hướng cho hiện tại và tương lai.

Đây là di sản vật chất “trực quan sinh động” mang giá trị giáo dục hiệu quả hơn ngàn lời thuyết phục trong phát huy chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Di tích là nơi lưu dấu về những chiến tích và tinh thần quật khởi, yêu nước nồng nàn chống ngoại xâm của quân và dân Việt Nam trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cho bất cứ thế lực phản động nào muốn xâm lược hay âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam.

Di tích là niềm tự hào của quân và dân ta trong lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

Giá trị an ninh quốc phòng

Mỗi tấc đất, gốc cây, ngọn cỏ trên chiến trường Long Khốt thấm đẩm máu xương, mồ hôi, nước mắt của cán bộ, chiến sĩ Long An và hơn 1.000 liệt sĩ của Sư đoàn 5 khẳng định di tích là một địa điểm chứng tích lịch sử đặc biệt chân thực, một “cột mốc ” biên giới quan trọng trong xác định chủ quyền lãnh thổ biên cương tổ quốc.

Di tích có giá trị hàng đầu trong giáo dục kiến thức và truyền thống về bảo vệ an ninh quốc gia, cụ thể là bảo vệ biên giới Tổ quốc cho muôn đời sau.

Đây là điểm mốc tốt đẹp trong xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia. Giữ vững mối giao hòa hữu nghị này góp phần quan trọng trong việc phòng vệ chống xâm lược từ phía biên giới Tây Nam tổ quốc.

Giá trị văn hóa

Lễ tri ân anh hùng liệt sĩ hòa quyện cùng lễ giỗ hội dân gian là một mỹ tục mang tính văn hóa truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ ngọn lửa gắn kết cộng đồng, gắn kết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

Lễ hội không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đông đảo nhân dân, thân nhân liệt sĩ, lễ hội còn là nơi lưu giữ, giao lưu, giải trí, ôn lại truyền thống văn hóa cộng đồng thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

Bên cạnh giá trị lịch sử sâu sắc, lễ hội mang giá trị văn hóa truyền thống dân gian cao đẹp này có xu hướng phát triển quy mô hơn trong thời gian tới như một viên ngọc quý ngày càng tỏa sáng nơi góc trời biên cương của Tổ quốc.

Giá trị kinh tế

Di tích được bảo tồn và phát huy theo dự án đang được tiến hành (được nêu ở đề mục 10) không chỉ góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, ổn định chính trị xã hội mà còn góp phần đẩy mạnh khai thác kinh tế du lịch địa phương một cách bền vững.

Di tích là điểm du lịch, về nguồn quan trọng trong hệ thống tuyến điểm tham quan du lịch của Vĩnh Hưng như: di tích khảo cổ cấp quốc gia Gò Ô Chùa, thắng cảnh cấp tỉnh Gò Chùa Nổi, đồng sen Thái Trị, chợ biên giới Campuchia.v.v.

Kết hợp khai thác được thế mạnh của các điểm di tích, thắng cảnh trong đó có di tích Khu vực đồn Long Khốt với đặc trưng văn hóa ẩm thực Đồng Tháp Mười.v.v. là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong khai thác dịch vụ du lịch cũng như bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa di tích.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế nêu trên, di tích lịch sử Khu vực đồn Long Khốt đã được công nhận là di tích cấp quốc gia.

Anh-tin-bai

III. Kết luận

“Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc, Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia”. Tiếng chuông Long Khốt mỗi sớm chiều vang lên làm ấm cả một vùng biên giới, là tiếng lòng của các cựu binh gửi đến linh hồn đồng đội, là sự tri ân của thế hệ hôm nay đối với những người con ưu tú đã hi sinh vì tổ quốc

Di tích lịch sử Khu vực đồn Long Khốt là nơi lưu dấu những cống hiến, hy sinh to lớn của Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp trong giai đoạn 1972- 1975 và chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam tổ quốc năm 1978 của Bộ đội biên phòng Long An gắn với lễ hội có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng và quý báu như đã phân tích ở phần giá trị. Đây là tài sản vật chất, tinh thần vô giá của quốc gia cần được triệt để phát huy trong giáo dục lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, truyền thống văn hóa, “uống nước, nhớ nguồn”, khơi gợi ngọn lửa nhiệt tình phục vụ cách mạng trong bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước. Di tích và các công trình của dự án được thực hiện trong tương lai còn có giá trị quan trọng trong khẳng định chủ quyền lãnh thổ cũng như giao lưu vun đắp tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Camphuchia. Ngoài ra, di tích còn là nguồn tiềm năng lớn trong khai thác du lịch, phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh