image banner
Di tích – Danh thắng

DI TÍCH LỊCH SỬ

KHU VỰC LONG KHỐT

ĐỊA ĐIỂM LƯU DẤU CỐNG HIẾN CỦA  SƯ ĐOÀN 5 TRONG

KHÁNG CHIẾN CHỐNG MỸ (1972- 1975) VÀ CHIẾN CÔNG

43 NGÀY ĐÊM CHIẾN ĐẤU BẢO VỆ BIÊN GIỚI TÂY NAM TỔ QUỐC

CỦA BỘ ĐỘI BIÊN PHÒNG LONG AN ĐẦU NĂM 1978

(xã Thái Bình Trung – huyện Vĩnh Hưng – tỉnh Long An).

1.TÊN GỌI DI TÍCH

Di tích có tên gọi là Khu vực Long Khốt vì những lý do sau:

-“Long Khốt” được lấy tên theo địa danh khu đất Long Khốt. “Long Khốt” là tên con rạch (sông) từ Campuchia chảy qua khu đất có diện tích khoảng 4,5 ha thuộc ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An. Vì vậy, khu đất này được người địa phương gọi theo tên rạch là Long Khốt.

Khu đất Long Khốt có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng. Từ năm 1958- 1975, ngụy quyền chọn đặt quận lỵ Tuyên Bình tại xã Thái Bình Trung và chi khu Long Khốt tại đây để trấn giữ. Đến ngày 10/8/1975, ta thành lập đồn biên phòng phiên hiệu 773[1] (còn được gọi tên theo khu đất là đồn Long Khốt) tại đây nhằm bảo vệ khu vực biên giới trọng yếu này. Khi mới thành lập, đồn Long Khốt thuộc Công an nhân dân vũ trang (CANDVT) Long An sau thuộc Bộ đội biên phòng Long An.

Từ năm 1997 đến nay, di tích cấp tỉnh có tên là Đồn Long Khốt- địa điểm ghi dấu chiến công 43 ngày đêm chiến đấu bảo vệ biên giới của Bộ đội biên phòng Long An trong chiến tranh Tây Nam tổ quốc ngày 14/01- 27/02/1978 được UBND tỉnh Long An ra quyết định xếp hạng di tích lịch sử tại quyết định số 500/QĐ.UB ngày 27/02/1997.

Nay, di tích Đồn Long Khốt được bổ sung thêm phần nội dung có giá trị lưu dấu những cống hiến, hy sinh to lớn của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 trên chiến trường Long Khốt mà tiêu biểu là 2 trận đánh tại chi khu Long Khốt năm 1972 và 1974. Vì vậy, di tích này có giá trị lịch sử xứng đáng được nâng tầm quốc gia.

Với những giá trị bổ sung trên, tên gọi mới của di tích được thống nhất đổi là “Di tích lịch sử Khu vực Long Khốtđịa điểm lưu dấu cống hiến của Sư Đoàn 5 trong kháng chiến chống Mỹ (1972- 1975) và chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam tổ quốc của Bộ đội biên phòng Long An đầu năm 1978”.

- “Khu vực Long Khốt”, tên gọi di tích là chiến trường Long Khốt có diện tích rộng hơn khu đất Long Khốt (lấy đồn Long Khốt làm trung tâm, bán kính khu vực này trên, dưới 5 km). “Khu vực Long Khốt” không chỉ xảy ra các trận đánh tại chi khu Long Khốt hay trận đánh bảo vệ đồn Long Khốt nêu trên mà còn có các trận đánh chi viện, đánh đồn ở các khu vực lân cận như Măng Đa, Thái Trị, Tuyên Bình… để làm suy yếu binh lực địch, chặn vây cánh viện trợ của chúng cho chi khu Long Khốt  trong 2 trận tấn công chi khu và các trận đánh phục kích, đánh chặn địch trong 43 ngày đêm chiến đấu bảo vệ đồn Long Khốt.

2.ĐỊA ĐIỂM VÀ ĐƯỜNG ĐI ĐẾN DI TÍCH

2.1.Địa điểm phân bố của di tích

Di tích lịch sử Khu vực Long Khốt tọa lạc tại ấp Trung Chánh, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An, nằm về phía Tây Bắc TP. Tân An, cách trung tâm hành chánh tỉnh khoảng 90km đường bộ.

Xét về địa giới và địa danh hành chánh, Thái Bình Trung trải qua nhiều lần thay đổi.

Ngược dòng lịch sử, kể từ năm 1689, Chưởng cơ Lễ thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh được cử vào Nam kinh lược, tổ chức hệ thống hành chánh và bổ nhiệm quan lại ở Nam Bộ được xác lập và chính thức trở thành lãnh thổ Việt Nam.

Đất Nông Nại được lập thành Phủ Gia Định, gồm hai huyện Phước Long và Tân Bình. Theo Địa chí Long An[2], thì đất Long An (trong đó có vùng Đồng Tháp Mười) thuộc huyện Tân Bình.

-Phước Long trên vùng đất Đồng Nai, có lỵ sở là dinh Trấn Biên.

-Tân Bình trên vùng đất Sài Côn, có lỵ sở là dinh Phiên Trấn.

Năm 1802, Gia Long lên ngôi đổi phủ Gia Định làm trấn Gia Định.

Năm 1808, lại đổi trấn Gia Định làm thành Gia Định gồm 5 trấn: Phiên An, Biên Hòa, Vĩnh Thanh, Định Tường và Hà Tiên.

Năm 1832 (Minh Mạng thứ 13), thành Gia Định được cải tổ và phân chia lại thành 6 tỉnh:

1.Phiên An tỉnh thành (trấn Phiên An cũ).

2.Tỉnh Biên Hòa (trấn Biên Hòa cũ).

3.Tỉnh Định Tường (trấn Định Tường cũ).

4.Tỉnh Vĩnh Long (trấn Vĩnh Thanh cũ).

5.Tỉnh An Giang.

6.Tỉnh Hà Tiên.

Năm 1836, Minh Mạng thu lại Phiên An tỉnh thành và đổi thành tỉnh Gia Định và gọi thành Gia Định hay là Nam Kỳ với lục tỉnh[3] 4 tổng: tổng Bình Cách Trung, tổng Thun Đạo Trung (huyện Thuận An, phủ Tân An, tỉnh Gia Định), tổng Kiến Phong (huyện Kiến Đăng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường), tổng Hưng Xương (huyện Kiến Hưng, phủ Kiến An, tỉnh Định Tường).

Đến thời điểm này, địa danh hành chính Thái Bình Trung thôn xuất hiện, thuộc xứ Miên Hoa Đà, tổng Thuận Đạo Trung, huyện Thuận An, tỉnh Gia Định. Thôn có vị trí nằm ở trung bộ sông Vàm Cỏ Tây, phía đông giáp thôn Phong Hòa, phía tây giáp phố Cần Thư, phía nam giáp sông Lớn, phía bắc giáp Campuchia có lập cộc gỗ làm giới[4].

Năm 1838, trong tỉnh Gia Định lập thêm phủ Tây Ninh, gồm 2 huyện Tân Ninh và Quang Hóa[5]. Huyện Quang Hóa bao gồm phần lớn 2 tổng Bình Cách Trung và Thuận Đạo Trung. Lúc này, trong các tên tổng ghi lại trong Đại Nam Nhất thống chí chưa có tên tổng Mộc Hóa.

Mãi đến ngày 12/7/1863, tách ra khỏi huyện Tân Ninh và trở thành địa hạt Quang Hóa, gồm 4 tổng: Mỹ Ninh, Giai Hóa, Hàm Ninh Hạ và Mộc Hóa. Thời điểm này, thôn Thái Bình Trung thuộc tổng Mộc Hóa.

Ngày 05/06/1862, triều đình Huế ký hòa ước Nhâm Tuất nhường 3 tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp. Lúc này, Pháp bắt đầu chú ý đến việc thiết lập bộ máy cai trị tại đây. Theo Nghị định ngày 5/6/1867, Pháp qui định chế độ và đổi các đơn vị hành chánh cũ thành 27 hạt (khu Tham Biện: inspestion) tại Nam Kỳ và một số Tổng mới ra đời. Tổng Mộc Hóa thuộc khu tham biện Quang Hóa. Thôn Thái Bình Trung thuộc huyện Quang Hóa, Phủ Tây Ninh, tỉnh Gia Định.

Ngày 7/6/1871, sau khi thống đốc Nam kỳ Dupré ra nghị định điều chỉnh các khu tham biện từ 25 xuống còn 18, thì tổng Mộc Hóa thuộc khu tham biện Tân An, hạt Mỹ Tho.

Năm 1899, chế độ tham biện được thay bằng chế độ tỉnh trưởng, khu tham biện Tân An sau trở thành tỉnh Tân An (1900). Di tích thuộc thôn Thái Bình Trung, tổng Mộc Hóa, tỉnh Tân An.

Năm 1916, quận Mộc Hóa được thành lập (bao gồm phần đất 4 huyện Thạnh Hóa, Tân Thạnh, Vĩnh Hưng, Mộc Hóa ngày nay). Di tích thuộc thôn Thái Bình Trung, tổng Thạnh Hòa Thượng, quận Mộc Hóa, tỉnh Tân An.

Năm 1923, thôn Thái Bình Trung nhập thêm một phần của thôn Bình Thành thành làng Thái Bình Trung, đến năm 1945 được gọi là xã[6].

Ngày 17/2/1956, Ngô Đình Diệm ký sắc lệnh số 21/NV/PTT lập tỉnh Mộc Hóa. Ngày 22/10/1956, theo sắc lệnh số 143/NV/PTT, tỉnh Mộc Hóa được đổi thành tỉnh Kiến Tường bao gồm 04 Quận hành chính: Châu Thành, Kiến Bình, Tuyên Nhơn và Tuyên Bình, tỉnh lỵ đặt ở Gò Bắc Chiêng (thị trấn Mộc Hóa ngày nay). Xã Thái Bình Trung thuộc tổng Thạnh Hòa Thượng, quận Tuyên Bình, tỉnh Kiến Tường. Quận lỵ tại làng Tuyên Bình.

Theo Nghị định số 290/BNV/HC/P6, ngày 7/6/1958 xã Thái Bình Trung thuộc tổng Tuyên Bình Trung, quận Tuyên Bình, tỉnh Kiến Tường. Quận lỵ Tuyên Bình được đặt tại xã Thái Bình Trung. Di tích lúc này thuộc xã Thái Bình Trung, quận Tuyên Bình, tỉnh Kiến Tường cho đến năm 1976.

Về phía ta, năm 1951, Ủy ban Kháng chiến Hành chánh Nam Bộ ra quyết định lập tỉnh Đồng Tháp trên cơ sở sát nhập 3 xã của Thủ Thừa và 7 xã của tỉnh Sa Đéc và Mộc Hóa. Vì vậy, di tích thuộc địa giới hành chánh này 16 tháng. Sau đó, Mộc Hóa trở thành một huyện của tỉnh Tân Mỹ Gò (Mỹ Tho mới. Địa giới này tương ứng với vùng 8).

Sau ngày Miền Nam hoàn toàn giải phóng, ngày 3/3/1976, theo quyết định của Hội đồng chính phủ, tỉnh Long An mới được thành lập gồm: Long An cũ, Đức Hòa, Đức Huệ, Kiến Tường trở thành một huyện của tỉnh Long An với tên cũ Mộc Hóa. Thái Bình Trung lúc này thuộc huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An.

Ngày 30/3/1978, phần đất phía Tây Bắc của huyện Mộc Hóa gồm 8 xã được cắt ra để thành lập huyện mới lấy tên là Vĩnh Hưng. Từ thời điểm này, di tích thuộc xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An cho đến ngày nay.

2.2.Đường đi đến di tích

Từ thành phố Tân An (trung tâm hành chánh tỉnh Long An) đến di tích bằng đường bộ: Khởi hành từ thành phố Tân An theo quốc lộ 62 nối tỉnh lộ 831(còn gọi là tỉnh lộ 49) đi Vĩnh Hưng khoảng 87km gặp ngã ba Long Khốt, rẽ phải vào đường liên xã (tỉnh lộ 831C) đi tiếp khoảng 8km, di tích nằm cạnh đường, phía bên trái.

3.PHÂN LOẠI DI TÍCH

Căn cứ kết quả khảo sát, nghiên cứu về di tích và quy định tại Điều 11 Nghị định số 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010, di tích này thuộc loại hình di tích lịch sử lưu niệm sự kiện: chiến đấu và cống hiến to lớn của Sư đoàn 5 trong chiến dịch tấn công tổng hợp nhằm phá vỡ tuyến ngăn chặn của địch ở trung tâm Đồng Tháp Mười và chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam tổ quốc của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An đầu năm 1978. Ngoài ra, nơi đây còn lưu niệm, tri ân sự kiện hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã chiến đấu, hy sinh anh dũng trên chiến trường Long Khốt và 47 liệt sĩ của xã Thái Bình Trung.

4.SỰ KIỆN, NHÂN VẬT LỊCH SỬ

4.1.Địa thế chiến lược đặc biệt quan trọng

Huyện Vĩnh Hưng (trong chống Mỹ thuộc quận Tuyên Bình) được thành lập ngày 30/3/1978[7] từ phần đất phía Tây Bắc của huyện Mộc Hóa. Địa bàn của huyện Vĩnh Hưng ở đây được nói đến thuộc giai đoạn những năm 1972- 1975 và 1978 nên bao gồm cả huyện Tân Hưng ngày nay.[8] Vĩnh Hưng là một trong các huyện thuộc Đồng Tháp Mười của tỉnh Long An, cũng là huyện biên giới, xa nhất của tỉnh (cách thị xã 90km), có diện tích tự nhiên trên 107.000ha[9], phía Bắc giáp tỉnh Svây-Riêng (Campuchia) có biên giới dài 60,3km, phía Tây giáp tỉnh Đồng Tháp, phía Đông và Nam giáp huyện Mộc Hóa.

Địa bàn huyện có địa thế chiến lược đặc biệt quan trọng vì nằm án ngang tuyến đường hành lang biên giới Việt Nam - Campuchia từ Tăng Lèo đến Ba Thu (phía đông Rạch Tăng Lèo thuộc huyện Vĩnh Hưng; Ba Thu giáp xã Bình Hòa Hưng, huyện Đức Huệ). Tuyến này nối miền Tây và miền Đông Nam Bộ có thể dựa lưng vào địa bàn biên giới nước bạn Campuchia trong việc phòng thủ, rút lui, ém quân chuẩn bị tấn công địch khu vực biên giới. Trong đó, chi khu Long Khốt (sau năm 1975 là đồn Long Khốt) nằm về hướng Đông Bắc thị trấn Vĩnh Hưng, sát biên giới Campuchia, là điểm trọng yếu chiến lược hàng đầu trên tuyến hành lang biên giới của huyện. Thông suốt tuyến hành lang này là điều kiện để ta vận chuyển quân lực, nhu yếu phẩm về chiến trường Long An, Đồng Tháp Mười, rồi xuống miền Tây. Nhất là trong chiến dịch Tổng tiến công nổi dậy xuân Mậu Thân 1968 và chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, từ hành lang biên giới này, ta vận chuyển hàng chục ngàn tấn quân nhu và tập trung quân lực tại Long An đánh vào Sài Gòn từ hướng Tây Nam (Long An) năm 1975. Vì vậy, với vai trò chốt điểm đặc biệt quan trọng trên tuyến hành lang biên giới này, Long Khốt, Vĩnh Hưng trở thành khu vực tranh chiếm ác liệt giữa ta và địch trong các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm bảo vệ Tổ quốc.

Sớm nhận biết tầm quan trọng của vị thế Vĩnh Hưng, từ năm 1957, ngụy quyền Ngô Đình Diệm cho“xây dựng nhiều khu dinh điền dọc biên giới nhằm chặn hành lang chiến lược và phá hoại vùng căn cứ cách mạng Đồng Tháp Mười[10]. Giai đoạn năm 1958 - 1975, ngụy quyền đặt quận lỵ Tuyên Bình tại xã Thái Bình Trung và chọn khu vực Long Khốt để đặt chi khu. Chi khu Long Khốt được xem là “pháo đài chống cộng vùng biên giới[11], là chốt điểm trọng yếu bảo vệ thị trấn Mộc Hóa[12] và khu vực Gò Măng Đa cũng như khống chế toàn bộ tuyến hành lang biên giới của huyện.

Về phía ta, trong suốt hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, đã liên tục đào nhiều tuyến kênh mở đường vận chuyển phục vụ kháng chiến như: kinh Ngang nối từ kênh Dương Văn Dương với sông Vàm Cỏ Tây (năm 1948), kênh Gò Thành (năm 1949, dài 18km) và các kênh 61, 62, 63, kênh 8/3, Nguyễn Văn Trỗi (thời chống Mỹ). Song song quá trình đó, nhiều trận đánh ác liệt đã xảy ra để giải phóng, bảo vệ tuyến hành lang này như: trận đường Tượng, đường Gạo, Gò Thành, Lò Gạch, Gò Gòn, Gò Măng Đa, Gò Ông Lẹt, đồn Long Khốt... Trong đó, 03 trận đánh tiêu biểu và ác liệt nhất xảy tại khu vực Long Khốt, như: trận tấn công chi khu Long Khốt từ ngày 9/6 đến 16/6/1972[13]; trận tấn công đêm 28 đến ngày 29/4/1974 của Trung đoàn 174 và các đơn vị phối hợp thuộc Sư đoàn 5 như: Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 và trận 43 ngày đêm (từ ngày 14/01 đến 27/02/1978) chiến đấu bảo vệ đồn Long Khốt của CANDVT tỉnh Long An và các đơn vị phối hợp. Trong những năm 1972-1975, để hoàn thành nhiệm vụ phá vỡ tuyến ngăn chặn của địch ở trung tâm Đồng Tháp Mười này, trên chiến trường Long Khốt (Vĩnh Hưng) có hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã hy sinh.

4.2.Cống hiến của Sư đoàn 5 trong kháng chiến chống Mỹ (1972- 1975)

Trong giai đoạn 1972- 1975, lực lượng Sư đoàn 5 và địa phương tỉnh Kiến Tường đã liên tục đánh địch nhiều trận ác liệt trên chiến trường Long Khốt làm thiệt hại nặng binh lực của chúng, giải phóng tuyến hành lang biên giới Vĩnh Hưng, góp thành tích to lớn vào công cuộc giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó có 2 trận đánh ác liệt tiêu biểu nhất xảy ra tại chi khu Long Khốt vào năm 1972 và 1974 đã khắc ghi vào lịch sử bằng biết bao mất mát, hy sinh của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5.

4.2.1.Thành tích 2 trận đánh ác liệt tiêu biểu nhất vào chi khu Long Khốt (1972, 1974) của sư đoàn 5.

-Tình hình chung

Từ ngày 18/3/1970, đế quốc Mỹ đã tổ chức cho bọn phản động tay sai LonNon đảo chính lật đổ chính phủ Xi-ha-núc, xóa bỏ nền trung lập của nước này. Âm mưu của địch là “dùng Campuchia thọc một mũi dao hiểm vào sau lưng cách mạng Việt Nam [14], cắt hành lang tiếp vận của ta vào chiến trường B2[15], giải tỏa thế uy hiếp từ phía Tây xuống các tỉnh Nam Bộ, bảo đảm thực thi thắng lợi chương trình bình định trên chiến trường Nam Bộ.

Đầu năm 1972, địch tăng cường mạnh quân lực cho tiểu khu Kiến Tường, trong đó có cả biệt kích Mỹ, nhằm chiếm giữ bằng được hành lang biên giới này. Tại quận Tuyên Bình (Vùng 8[16]), địch đẩy mạnh khai phá địa hình, đánh phá căn cứ lõm của ta và kiện toàn lại hệ thống đồn bót sau mùa lũ. Thêm nữa, địch tăng cường thêm tiểu đoàn “Trâu điên” kết hợp với tiểu đoàn biệt kích Măng Đa và trực thăng ngày đêm càn quét, phục kích. Như vậy, “ở Kiến Tường trước khi ta mở cuộc tiến công chiến lược năm 1972, địch đã tập trung lực lượng đẩy mạnh chương trình bình định, quyết giữ cho được Vùng 4 trọng điểm và Vùng 8 là hành lang chiến lược[17].

Trước tình hình đó, đầu năm 1972, ta tiến hành các cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam, mở đầu bằng các chiến dịch Quảng Trị, bắc Tây Nguyên, miền Đông Nam Bộ và các chiến dịch tổng hợp ở đồng bằng sông Cửu Long. Sau chiến dịch Nguyễn Huệ, giải phóng Lộc Ninh, Sư đoàn 5 được Quân ủy, Bộ chỉ huy Miền giao nhiệm vụ thọc sâu chiến lược xuống đồng bằng Khu 8 phối hợp với lực lượng địa phương mở chiến dịch tấn công tổng hợp nhằm phá vỡ tuyến ngăn chặn của địch ở trung tâm Đồng Tháp Mười, tiến công giải phóng một số quận, chi khu quân sự, đánh quỵ sư đoàn 7 ngụy Sài Gòn, tạo điều kiện thúc đẩy phong trào quần chúng nổi dậy, mở rộng vùng giải phóng Kiến Tường, Kiến Phong, Long An, Định Tường (Mỹ Tho)[18].

Tuy nhiên, thắng lợi đợt 1 của chiến dịch chỉ tạo được địa bàn thuận lợi để triển khai về tổ chức và bảo đảm cho chiến dịch tiếp diễn quy mô hơn. Tuyến ngăn chặn biên giới của địch trên hành lang về Đồng Tháp Mười còn mạnh, khả năng cơ động nhanh. Ngay sau đợt 1, địch nhanh chóng chiếm lại một số vùng đã mất. Vì vậy, trong đợt 2, tại Kiến Tường, lực lượng Sư đoàn 5 của ta được tăng cường thêm để phối hợp với quân, dân, du kích địa phương đẩy mạnh đánh phá bình định, mở lõm, giải phóng xã, ấp, khai thông tuyến hành lang biên giới. Trong đó, chi khu quân sự Long Khốt là trọng điểm then chốt trong chiến dịch, kế đến là yếu khu Măng Đa, đồn Chùa Nổi, Thái Trị, Bình Châu và Công Sự.

-Vài nét về chi khu Long Khốt và lực lượng Sư đoàn 5 trên chiến trường Long Khốt

+Chi khu Long Khốt nằm trên gò đất cao, cách biên giới Campuchia khoảng 700m về hướng Tây Nam[19]. Đây là một công trình quân sự có dạng tứ giác, rộng khoảng 4 ha, kết cấu gồm: rào nhiều lớp, công sự, lô cốt vững chắc và đầy đủ hệ thống giao thông hào, hầm ngầm. Khu vực phía Tây Bắc chi khu còn có chợ, bệnh xá, sân bay trực thăng, nhà ở thân nhân ngụy (Phụ lục 4: Sơ đồ chi khu năm 1972).

Về địa thế, phía Nam và Tây Bắc chi khu giáp rạch Long Khốt. Mặt Tây Bắc chi khu là đồng ruộng trống trải, cách chi khu 3,5 km trở ra có ấp và xóm cũ bị tàn phá còn một ít cây cối, không có dân sinh sống. Phía Đông, Đông Bắc, Đông Nam là đồng ruộng trống trải, cách chi khu 2km trở ra có xóm, ấp. Đầu năm 1972, quân lực địch được tăng cường quân số và trang bị, gồm: 2 đại đội bảo an, 1 đại đội cảnh sát, 1 trung đội pháo 105mm (2 khẩu), 1 trung đội biệt kích, một trung đội lính mai phục, 5 trung đội phòng vệ dân sự; vũ khí gồm 2 khẩu pháo 105mm, 2 súng cối 81mm, 4-6 súng cối 61mm, 6 súng đại liên, 17 súng M789, 30 súng M72[20]. Nhìn chung, chi khu được xây dựng trên địa thế gò cao, xung quanh trống trải, được trang bị phòng thủ tốt có lợi cho địch trong quan sát trận địa và chiến đấu, nhưng bất lợi với ta nhất là trong việc ém quân và tiến quân chiếm lĩnh trận địa.

+Lực lượng Sư đoàn 5 trên chiến trường Long Khốt

Cuối tháng 5/1972, Trung đoàn 174, Trung đoàn 1 và Trung đoàn 3 thuộc Sư đoàn 5 được lệnh phối hợp với lực lượng vũ trang Kiến Tường tiến công địch, mở màn, vùng giải phóng. Cụ thể là từ vùng ngoài biên giới Ba Thu thẳng hướng về Mộc Hóa, Kiến Tường; tạo thế và lực cho phong trào quần chúng nổi dậy giải phóng các huyện phía tây tỉnh Kiến Tường, Kiến Phong, Long An, Định Tường (Mỹ Tho)[21].

 Từ tháng 6/1972 đến 30/4/1975, Sư đoàn 5 đã phối hợp cùng lực lượng địa phương Kiến Tường liên tục chiến đấu tấn công địch nhiều trận ác liệt, chịu nhiều mất mát, hy sinh để giải phóng bằng được tuyến ngăn chặn của địch ở chiến trường Đồng Tháp Mười này. Trong đó, tiêu biểu là 02 trận tấn công quy mô vào chi khu Long Khốt năm 1972 và 1974 làm cho địch thiệt hại nặng. Riêng trận đánh vào chi khu năm 1974 thắng lợi, giải phóng hoàn toàn chi khu, khai thông tuyến hàng lang biên giới.

4.2.1.1.Trận tấn công chi khu Long Khốt (yếu khu Long Khốt) từ ngày 9 đến 16/6/1972[22]

Từ ngày 9 đến 16/6/1972, Trung đoàn 174 (giai đoạn này còn được gọi là trung đoàn 2) phối hợp với Trung đoàn 1, Trung đoàn 3 và du kích xã Thái Bình Trung tấn công chi khu Long Khốt (yếu khu Long Khốt). Đây là trận then chốt, đột phá mở màn cho bước 2 chiến dịch Tổng hợp ở Khu 8.

Rạng sáng ngày 9/6/1972, ta hành quân chiếm lĩnh trận địa chuẩn bị tấn công vào chi khu Long Khốt.

Trận đánh diễn ra vô cùng ác liệt kéo dài từ ngày 9/6 đến 16/6/1972. Ta cố gắng vượt qua từng lớp rào, tường, bãi mìn dưới hỏa lực chống trả quyết liệt của địch để chiếm lĩnh từng tấc đất trận địa; đồng thời chiến đấu chặn, diệt viện binh của địch từ hướng Gò Măng Đa và 2 ấp Chiến lược, Nhà thờ.

Kết quả trận đánh: chi khu bị thiệt hại nặng: loại khỏi vòng chiến 411 tên địch, phá hủy 1 khẩu pháo 105mm, 1 súng cối 106,7mm, 3 súng cối 81mm, 1 súng ĐKZ90mm, 2 súng 12,7mm, 15 lô cốt, 1 kho đạn, 13 nhà (có 1 nhà máy nước), bắn rơi 2 máy bay địch. Riêng ta bị tổn thất lớn về quân số và vũ khí trang bị, thương vong hơn 200 cán bộ, chiến sĩ[23].

Tuy chưa giải phóng được các vị trí then chốt như chi khu Long Khốt, Kinh Quận nhưng quân chủ lực Sư đoàn 5 đã góp phần quan trọng đánh, bứt rút các đồn bót chính của địch như: đánh thiệt hại đồn Bình Châu, tiêu diệt đồn Măng Đa, Kèo Giá (xã Thái Bình Trung), bứt rút đồn Thái Trị, yếu khu Măng Đa làm tê liệt bọn tề điệp, phá rã các ấp chiến lược, tạo điều kiện cho quần chúng nổi dậy phá thế kèm kẹp, trở về nhà cũ.

Mặc dù vậy, quân lực địch vẫn còn mạnh. Ngay sau đó, địch chi viện toàn bộ sư đoàn 7, 2 tiểu đoàn biệt động quân, 2 chi đoàn thiết giáp M113, máy bay phản kích quyết liệt để giải tỏa Chi khu Long Khốt, Gò Măng Đa và thị xã đang bị ta uy hiếp mạnh[24].

4.2.1.2.Trận tấn công chi khu Long Khốt đêm 28 đến ngày 29/4/1974[25]

Sang bước hai của đợt hoạt động mùa khô năm 1973 - 1974, Trung đoàn 174 nhận nhiệm vụ tiêu diệt chi khu Long Khốt một lần nữa.

Trung đoàn 174 được tăng cường thêm 01 tiểu đoàn đặc công của Trung đoàn 367 và 2 khẩu pháo 85 mm, 3 xe thiết giáp PT85. Trong trận này, Trung đoàn 174 đã có sự chuẩn bị, tập luyện kỹ lưỡng theo bài học kinh nghiệm đúc kết từ trận tấn công chi khu năm 1972, đồng thời Trung đoàn chọn phương án kết hợp giữa đánh đặc công, đánh cường tập đột phá và chặn viện để tiêu diệt chi khu Long Khốt. Vì vậy, khi trận đánh diễn ra, địch phản công quyết liệt, dùng pháo binh, máy bay đánh chặn các mũi tiến công của ta nhưng nhờ có sự chuẩn bị trước nên cuối cùng ta đã làm chủ hoàn toàn chi khu Long Khốt, loại khỏi vòng chiến đấu 150 tên địch, thu 69 súng, bắn rơi 3 máy bay và phá hủy toàn bộ hệ thống phòng thủ của địch tại Long Khốt.

Sau đó, Trung đoàn 174 tiếp tục giải phóng các chốt điểm của địch như Thái Trị, Gò Da, Chùa Nổi, hoàn thành nhiệm vụ khai thông tuyến hành lang vào trung tâm Đồng Tháp Mười, kết thúc thắng lợi đợt hoạt động mùa khô năm 1973-1974.

Trong giai đoạn 1974-1975, Trung đoàn 174 tiếp tục cùng lực lượng địa phương Long An chiến đấu nhiều trận bảo vệ và mở rộng vùng giải phóng nhất là ở Vùng 8 cho đến ngày miền Nam giải phóng, thống nhất đất nước (30/4/1975).

Tuy nhiên, để hoàn thành nhiệm vụ giải phóng tuyến hành lang chiến lược trên địa bàn quận Tuyên Bình, tiêu diệt địch ở chiến trường Long Khốt, Trung đoàn 174 và các đơn vị phối hợp của Sư đoàn 5 đã chiến đấu liên tục trong suốt 3 năm liền và chịu đựng biết bao gian khổ, mất mát, hy sinh.

4.2.2.Hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 đã hy sinh trên chiến trường Long Khốt trong giai đoạn 1971 - 1975

Theo danh sách liệt sĩ do Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 5 và Trung đoàn 174 cung cấp có tổng số: 1.110 liệt sĩ của Sư đoàn đã hy sinh trên chiến trường Long Khốt. Trong đó đã khắc trên bia trong đền thờ liệt sĩ tại di tích lịch sử đồn Long Khốt (cấp tỉnh) là 720 liệt sĩ. Trung đoàn 174 có số liệt sĩ nhiều nhất là 791 và đã khắc bia 601 liệt sĩ, Trung đoàn 5[26] có 165 liệt sĩ và đã khắc bia 119 liệt sĩ. 154 liệt sĩ còn lại thuộc Trung đoàn 3, Trung đoàn 4 và Trung đoàn 28. (Phụ lục 5: danh sách liệt sĩ). Tính đến thời điểm này, con số 1.110 liệt sĩ là con số thống kê chưa đầy đủ, chưa tính số liệt sĩ hy sinh trong trận đánh bảo vệ đồn Long Khốt đầu năm 1978 và các lực lượng địa phương Kiến Tường đã phối hợp cùng Sư đoàn 5 chiến đấu, hy sinh trên chiến trường Long Khốt.

Theo đại tá Trần Thế Tuyển ghi nhận: “các đơn vị bạn đã cung cấp cho chúng tôi hàng trăm danh sách liệt sĩ (chưa thống kê đầy đủ) cũng hy sinh tại khu vực này”, “Hàng trăm và nếu cả mặt trận hàng ngàn đồng đội đã ngã xuống giữa dòng sông biên giới và cánh đồng Long Khốt này”.[27] 

Theo các nhân chứng trực tiếp tham gia chiến trường Long Khốt nay là Ban Liên lạc cựu chiến binh như: Đại tá Nguyễn Văn Bạch, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 5, nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7, Thượng tá Võ Văn Sô, Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5, Quân Khu 7, nguyên Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy Bệnh viện Quân dân y miền Đông, Quân khu 7; Đại tá Bùi Đức Trần, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 5, nguyên cố vấn cao cấp Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174, đã mất (tháng 06/2018); Đại tá Trần Thế Tuyển, Trưởng Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải Phóng; Ông Trình Tự Kha, nguyên Khẩu đội trưởng pháo DKZ trong trận đánh chi khu Long Khốt ngày 28/4/1974, nguyên Tổng giám đốc Công ty cổ phần du lịch Golf Việt Nam (VINAGOLF), hiện là Phó Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 tại TP.Hồ Chi Minh.v.v. đều xác định: số liệt sĩ hy sinh tại khu vực Long Khốt từ năm 1972 đến 1975 là hơn 1.000 liệt sĩ.

Vào thời điểm chiến tranh ác liệt nói trên, thông tin về sự phối hợp giữa lực lượng địa phương và lực lượng cấp trên điều về như Sư đoàn 5 có chừng mực và tuyệt đối bí mật. Trong lịch sử của địa phương có ghi nhận nhưng rất tóm lược. Một tiêu biểu như: “Đêm 9 rạng 10/6/1972 Sư đoàn 5 chủ lực miền tấn công đánh thiệt hại Chi khu Long Khốt và đồn Bình Châu…”[28]. Hơn nữa, các trận đánh tại chi khu Long Khốt do lực lượng Trung đoàn 174 và các trung đoàn khác của Sư đoàn 5 chủ lực thực hiện, lực lượng này di chuyển chiến đấu liên tục sau các trận tại Long Khốt nên thông tin về các trận đánh khó được lực lượng địa phương và nhân dân nắm bắt đầy đủ, chính xác. Vì các lý do đó, khi lập hồ sơ di tích lịch sử cấp tỉnh “đồn Long Khốt” năm 1997, những cống hiến, hy sinh to lớn của hơn 1.000 cán bộ, chiến sĩ trên chiến trường Long Khốt (Long An) vẫn chưa được biết đến.

Đến năm 2007, con số liệt sĩ hy sinh quá lớn này mới được biết đến, khiến “Người trong cuộc” như các cựu chiến binh từng chiến đấu trên chiến trường Long Khốt cũng phải ngỡ ngàng. Đại tá Trần Thế Tuyển, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 cho biết “Cách đây gần 10 năm, chúng tôi cùng các nhà tài trợ khởi công xây dựng đền thờ liệt sĩ Long Khốt. Khi thu thập tài liệu, lập danh sách liệt sĩ để khắc trên bia đá, một sự thật làm chúng tôi choáng váng. Chỉ trong mấy năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ, tại đây, Trung đoàn 174 của chúng tôi đã có gần 700 đồng đội hi sinh…”. Số liệu này ghi nhận trong giai đoạn đang bổ sung và khắc bia thờ danh sách liệt sĩ trong đền thờ tại di tích lịch sử đồn Long Khốt.

Đến năm 2013, quyển Lịch sử Trung đoàn bộ binh 174 anh hùng (1949- 2012) do Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh thực hiện và quyển 400 trận đánh của lực lượng vũ trang Quân khu 7 do Bộ Tư lệnh Quân khu 7 thực hiện, xuất bản năm 2014, mới có tương đối đủ thông tin về những cống hiến, hy sinh to lớn của Trung đoàn 174 và các đơn vị phối hợp mới được sáng tỏ.

Thêm nữa, thông tin về chiến trường Long Khốt xưa được cung cấp thêm từ nhiều cựu chiến binh về thăm chiến trường nhân ngày giỗ liệt sĩ và sinh nhật Bác 19/5 hàng năm. Sự ác liệt của chiến trường xưa, nỗi đau mất đi đồng đội của họ vẫn còn nghẹn ngào trong lời kể, rưng rưng trong ánh mắt như mới vừa xảy ra hôm qua: “Đồng đội mình hy sinh mọi lúc, mọi nơi trên chiến trường, hàng trăm cán bộ, chiến sĩ hy sinh. Hy sinh từ lúc điều nghiên, trinh sát cho đến khi chiến đấu và cả khi đang gom xác đồng đội, nhất là trong 2 trận đánh tháng 6/1972 và tháng 4/1974 tại Long Khốt”. “Chúng tôi chôn đồng đội trong những hố chôn tập thể, tại chiến trường, trên đất Campuchia, mà giờ khó xác định nơi nào vì lúc đó đêm tối”.

Những cống hiến thành tích cũng như xương máu của hơn 1.000 liệt sĩ của Sư đoàn 5 trên mảnh đất Long Khốt thật là cao quý chỉ có thể được thể hiện trọn vẹn qua đôi câu đối do đại tá Trần Thế Tuyển sáng tác được ghi trong đền thờ liệt sĩ Long Khốt như sau:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hoá linh khí quốc gia.”

          Nếu không có những chiến dịch lớn như: Mậu Thân 1968, chiến dịch Nguyễn Huệ, chiến dịch tổng hợp (1972) mà tiêu biểu là các trận vô cùng ác liệt đầy hy sinh mất mát như: chốt chặn Đường 13 - Xóm Ruộng (Bình Long); thành cổ Quảng Trị, Long Khốt (Long An), Xuân Lộc - Long Khánh... thì làm sao có chiến dịch Hồ Chí Minh (1975) giải phóng Sài Gòn, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước[29]. Vì vậy, những cống hiến to lớn của Sư đoàn 5 trên chiến trường Long Khốt, Long An rất xứng đáng được lưu dấu, tri ân.

4.3.Chiến công 43 ngày đêm (từ ngày 14/01 đến 27/02/1978)[30] bảo vệ biên giới Tây Nam của Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An

Sơ lược tình hình và bố phòng của ta trong trận đánh bảo vệ đồn Long Khốt

Sau thắng lợi mùa xuân năm 1975, Đảng và nhà nước ta chủ trương tranh thủ hòa bình để xây dựng đất nước sau chiến tranh bằng chính sách đối ngoại hoà bình và hữu nghị với tất cả các nước, ra sức xây dựng đường biên giới với Trung Quốc, Lào và đặc biệt là Campuchia. Nhưng tập đoàn phản động Pôn Pốt-Iêng-xa-ry được các thế lực bên ngoài hỗ trợ và xúi giục đã phản bội lại sự nghiệp cách mạng chân chính của nhân dân Campuchia, phản bội lại tình hữu nghị đoàn kết Việt Nam- Campuchia tiến hành các hoạt động quân sự, chính trị, ngoại giao chống phá cách mạng Việt Nam mà đỉnh cao là gây chiến tranh xâm lược trên toàn tuyến Biên giới Tây Nam.

Chấp hành chỉ thị của Bộ Tư lệnh Biên Phòng và Ban chỉ huy Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An toàn thể các cơ quan đơn vị đồn, trạm biên phòng tích cực chuẩn bị mọi mặt, sẵn sàng đối phó với âm mưu mới của địch.

Ngày 28/12/1977, bọn xâm lược Pôn Pốt- Iêng Xa Ry đã tổ chức vây lấn, áp sát, phong tỏa các đồn của ta trên tuyến biên giới tỉnh Long An. Tuy lực lượng địch đông, hỏa lực pháo binh yểm trợ nhưng do đánh chiếm không có trọng điểm, hiệp đồng chiến đấu yếu nên bị ta tiêu diệt nhiều, tinh thần hoang mang[31].

Riêng tại đồn Long Khốt, ngay từ tháng 11/1977, trinh sát ta phát hiện địch thâm nhập vào đồn cho thấy địch đã có âm mưu tấn công vào vị trí xung yếu này. Vì vậy, ngày 31/12/1977, Thường vụ Tỉnh ủy và Ban chỉ huy CANDVT tỉnh Long An họp xác định đồn Long Khốt là vị trí then chốt và trọng yếu nhất, nếu mất Long Khốt thì thị trấn Mộc Hóa và Gò Măng Đa (thị trấn Vĩnh Hưng ngày nay) sẽ bị uy hiếp ngay. Xuất phát từ tầm quan trọng và vị trí chiến lược ấy Thường vụ và Bộ chỉ huy quân sự tỉnh chỉ đạo bằng mọi giá phải giữ cho được Long Khốt.

Sau thời gian chuẩn bị, đồn Long Khốt được bố phòng khá kiên cố, lớp ngoài cùng xung quanh đồn là giao thông hào chống tăng, kế trong là lớp rào chống B40 (cao 2,5m), bao bọc ngoài lớp rào B40 là 8 lớp rào các loại chống bộ binh, xe tăng chống đột nhập. Bên trong nữa là bờ luỹ bằng đất cao 1,5m, dày 2,5m có các công sự. Trung tâm đồn đặt một công sự chỉ huy, có 4 hầm xếp bao cát ẩn nấp chiến đấu, 02 công sự cối 82 ly (mỗi công sự một khẩu), 1 công sự cứu thương, 4 góc đồn là 4 công sự ẩn nấp chiến đấu rất kiên cố, rải rác còn có các công sự ẩn nấp.

Lực lượng của ta tại đồn có 51 cán bộ, chiến sĩ CANDVT. Bộ chỉ huy gồm: đồn trưởng Hoàng Văn Ky, đồn phó quân sự Nguyễn Hữu Nòi, đồn phó Nguyễn Văn Tuân[32], Chính trị viên Hoàng Văn Thi, Chính trị viên phó Nguyễn Văn Xinh[33]. Về trang bị, vũ khí của ta chủ yếu là súng tiểu liên AK, mìn và lựu đạn. Ngoài ra, Bộ chỉ huy quân sự tỉnh còn điều động thêm 45% quân số gồm: Đại đội 1 và Đại đội 3 cơ động, Trung đội trinh sát vũ trang của tỉnh, Tiểu đoàn bộ binh 2, Trung đoàn Vàm Cỏ và tiểu đoàn 504 của tỉnh, và pháo 105mm, ĐKZ 82mm, cối 82mm, 12,7mm hỗ trợ.

Về chiến thuật, dựa vào công sự trận địa, hệ thống vật cản, vận dụng linh hoạt các chiến thuật, thủ đoạn để chiến đấu; kếp hợp giữa chốt giữ với vận động tiến công địch ngoài công sự, tập kích, pháo kích, bắn tỉa để tiêu hao, ngăn chặn và tiêu diệt địch.

Ngày 13/01/1978, đúng như ta dự đoán, bọn phản động Pôn- pốt- Iêng- xa-ry cũng bắt đầu tấn công vào đồn Long Khốt.

Diễn biến trận đánh 43 ngày đêm bảo vệ đồn Long Khốt từ ngày 14/01 đến 27/02/1978 được chia làm 3 đợt như sau:

-Đợt 1: từ ngày 14 đến 26/01/1978

22 giờ 45 phút đêm 14/01/1978, sau khi bắn 2 quả B40 vào đồn, 1 Tiểu đoàn địch áp sát đồn từ 3 mặt và bắn quyết liệt vào đồn nhất là hướng Tây Bắc. Một trung đội trinh sát của chúng xông thẳng vào cổng đồn. Các chiến sĩ dùng cối 82 ly bắn chặn bọn địch ở phía ngoài và các hỏa điểm để cô lập và đánh giáp lá cà với trung đội trinh sát này.

Kết quả, sau hơn 01 giờ chiến đấu, ta giữ được cổng đồn, an toàn về người, gãy cột ăng ten ở cổng đồn, cháy 1 nhà và nổ một số đạn B40. Địch bị đẩy lùi và bị tiêu diệt 7 tên.

Ngày 15/01/1978, Bộ chỉ huy tiền phương tăng cường cho đồn 38 đồng chí Đại đội 3 CANDVT được bố trí phục kích cách đồn 400m về hướng Tây Bắc.

18 giờ ngày 15/01/1978, được pháo binh hỗ trợ, 02 đại đội địch chia làm 3 mũi hình thành gọng kìm từ 3 hướng bao vây đồn. Mũi 1 đến đầu lộ 94 gặp tổ phục kích của dân quân xã Thái Bình Trung và Đại đội 3 đánh bất ngờ. Đồng thời ta bắn cối 82 mm vào ấp Xây-lip  và cua Sóc- nì ngăn chặn mũi tiến công 2 và 3 của địch.

Vì vậy, mũi 1 của địch bị rối loạn, mũi 2 và 3 không hành quân được phải rút lui. Trận này, ta diệt 10 tên, bắn bị thương 25 tên, thu 1 Ak, 1 B40, 3 lựu đạn, lực lượng ta an toàn mặc dù sau đó địch xả cối 82 mm và 105mm xối xả vào đồn.

Từ ngày 16/01 đến 21/01/1978, địch dùng pháo và cối bắn liên tục vào đồn (lúc cao điểm lên đến 1.500 trái mỗi ngày). Âm mưu của chúng là buộc ta cố thủ trong công sự, còn chúng yểm trợ cho bộ binh lấn dần, tăng cường lực lượng lên cấp Trung đoàn.

Đến ngày 22/01/1978 đồn Long Khốt hoàn toàn bị bao vây cô lập, chỉ còn liên lạc với bên ngoài bằng vô tuyến điện. Đây là giai đoạn khốc liệt nhất của trận đánh. Cán bộ, chiến sĩ trong đồn phải chịu đựng biết bao gian khổ, vừa cầm cự chiến đấu chống lại hàng loạt các đợt tập kích của địch, chịu đựng hàng ngàn quả đạn pháo của địch. Trong tình hình đó, nhiều thương binh cần được cứu chữa nhưng thiếu thuốc men, thức ăn, nhất là từng thùng nước uống phải đổi bằng máu với địch vì sông Long Khốt bị địch phong tỏa.

Ngày 25/01/1978, Ban chỉ huy CANDVT tỉnh tổ chức hiệp đồng với các lực lượng chi viện bên ngoài và pháo binh tiến công địch giải vây cho đồn. Đến 10 giờ, đồn được giải vây, địch lùi ra.

Từ ngày 24/01đến 26/01/1978, ta tiếp tục củng cố công sự, tổ chức các chốt chặn, đánh địch từ ngoài đồn.

Ngày 26/01/1978, Bộ chỉ huy tiền phương họp và nhận định “Những thắng lợi bước đầu củng cố về mặt tư tưởng cho ta. Địch không còn dám liều lĩnh đột kích vào đồn”. Tuy nhiên, ý đồ chiến lược của chúng là mọi giá phải nhổ cho bằng được đồn Long Khốt để tạo thế mạnh làm áp lực trên toàn biên giới Long An- Svâyriêng. Vì vậy, địch đổi chiến thuật trong đợt 2 là tăng cường lực lượng áp sát bao vây tạo áp lực liên tục, dùng hỏa lực bắn liên tục vào đồn tạo điều kiện hổ trợ lấn dần và dứt điểm.

-Đợt 2: từ ngày 27/01 đến 02/02/1978

14 giờ ngày 27/01 đến sáng 28/01/1978, địch bắn vào đồn hơn 1.000 quả pháo mở đường cho bộ binh xung phong từ 4 mũi tấn công vào các chốt của đồn, Đại đội 3, Đại đội 1 và phân đội trinh sát vũ trang của ta.

Mũi 1 từ rạch Xăm No cập bờ sông Vàm Cỏ Tây xuống đầu lộ 94 để chăn cổng đồn bằng xung lực. Địch tiến đến đầu quốc lộ 94 bị Đại đội 3 đánh chặn và truy kích, rút lui đến rạch Tho Mo thì bị tiểu đoàn 504 phục kích phải co cụm.

Mũi 2 từ chùa Om- Pư tiến ra áp sát hào chống tăng, cách đồn 150m, dùng súng bắn khống chế các điểm cao có hỏa lực trong đồn.

Mũi 3 từ Sóc Nỳ[34] tiến ra đồn, cách 2 chốt của trinh sát vũ trang và đồn 400m, đào công sự, bố trí hỏa lực bắn thẳng để yềm trợ cho bộ binh xung phong tấn công đồn.

Mũi 4 từ Sóc Nỳ tiến xuống Bắc sông Kéo Giá[35]  vượt sông Vàm Cỏ Tây để đánh vào đồn nhưng bị Đại đội 1 của ta đánh và ngăn bên bờ này sông.

Tuy nhiên, mũi 2,3,4 không dám tiến lên, nằm tại chỗ bắn vào đồn rồi rút lui về bên kia biên giới.

Trong đợt này, địch tăng cường 2 tiểu đoàn bộ binh có sự chi viện mạnh của hỏa lực nhưng do ta tổ chức đánh chặn tốt nên bẻ gãy từng mũi tiến công của địch.

Từ ngày 29 đến 31/01/1978, sau nhiều lần tấn công không chiếm được đồn Long Khốt, địch đổi chiến thuật đánh lẻ từng chốt, án ngữ từng cụm, lấn từng mũi vào đồn, ngăn chặn tiếp viện của ta, tạo điều kiện đánh dứt điểm đồn Long Khốt.

-Đợt 3: từ ngày 02/02 đến 27/02/1978

Ngày 1/2/1978, Bộ chỉ huy tiền phương triệu tập cuộc họp các đơn vị cơ quan, địa phương xác định vị trí tầm quan trọng của đồn Long Khốt đề ra nhiệm vụ và quyết tâm mở đợt phản công giải tỏa và bảo vệ vị trí xung yếu này. Từng đơn vị đã được giao nhiệm vụ và tổ chức hợp đồng tác chiến.

20 giờ ngày 4/02/1978, các đơn vị nhanh chóng hành quân chiếm lĩnh trận địa.

4 giờ 30 ngày 5/02/1978,  Đại đội 1 và tiểu đoàn 2 phát hiện 1 đại đội địch tại bờ sông ấp Trung Môn nhưng không nổ súng để giữ bí mật.

5 giờ ngày 5/02/1978, ta phát lệnh tấn công, cối đồng loạt nã đạn vào các mục tiêu đã định. Bị đánh bất ngờ, quân địch bị rối loạn không kịp chống trả, bỏ chạy. Từ ấp Xây-lip bên kia biên giới, địch dùng cối 82 mm, ĐKZ bắn chặn các mũi tiến công của ta để tháo lui. Lúc này, Bộ chỉ huy của ta ra lệnh truy kích địch.

-Đại đội 3 tiến công truy kích địch phía bờ Nam sông Vàm Cỏ chốt giữ nhà thờ Thái Bình Trung.

-Tiểu đoàn 504 và Tiểu đoàn 2, Vàm Cỏ bắn đại liên và pháo 12,7mm kìm chế địch để sang bờ Bắc.

-Tiểu đoàn 504 chiếm bờ Nam Ô-mê-còn và chốt giữ tại đó.

Đại đội 1, Tiểu đoàn 2 và Trung đoàn Vàm Cỏ vượt sông lần lượt đánh chiếm các vị trí bố phòng của địch và hình thành 3 mũi vừa tấn công vu hồi (đánh phía sau), rồi khóa đuôi tạo thành thế bao vây chia cắt, vây hãm 40 tên địch, diệt tại chỗ 28 tên, số còn lại bỏ súng tháo chạy về bên kia biên giới. Trận này ta diệt 32 tên bắn bị thương 15 tên, thu 12 súng AK, 40 súng khác, một số đạn M79, B40, B41.

21 giờ ngày 5/2/1978 địch lên lấy xác, ta diệt thêm 2 tên thu 1 AK.

18- 21 giờ ngày 10/2/1978, tổ trinh sát CANDVT đồn, phục kích đánh địch bỏ chạy khỏi cánh đồng cách đồn 300m về hướng Đông.

Từ ngày 11 đến ngày 24/2/1978 địch vẫn liên tục pháo kích vào đồn, nhưng không dám tấn công. Các chiến sĩ đồn Long Khốt vẫn giữ vững các vị trí tiền tiêu, bố trí ngăn chặn địch từ xa không cho chúng áp sát vào đồn.

Ngày 27/2/1978, các đơn vị và lực lượng trong đồn chuyển về tuyến 2 an toàn.

Kết quả

Trên chiến trường Long Khốt, ta tiêu diệt 130 tên, bắt sống 1 tên, bắn bị thương 287 tên, thu 15AK, 3 B40, 1 B41, 1M79 và nhiều quân trang, quân dụng khác. Tại đồn, ta đã đánh lùi 21 đợt tấn công của địch, tổ chức đánh địch 28 trận, diệt tại chỗ 55 tên, bắn bị thương nhiều tên khác, thu 9 súng.

Tổn thất của ta, hy sinh 5 đồng chí, bị thương 27 đồng chí, sử dụng hết 42 tấn chất nổ, hỏng 2 cối 82mm, 1 cối 60mm, 5 đại liên, 8 ĐKZ, 4  chiếc xuồng.

Mặc dù tổn thất không nhỏ nhưng đây là chiến công có ý nghĩa quốc phòng và ngoại giao quan trọng:

+Bảo vệ được đồn Long Khốt đồng nghĩa với bảo vệ được khu vực phía Tây Bắc tiền đồn Mộc Hóa và làm thất bại hoàn toàn âm mưu đánh chiếm bằng được 2 vị trí tiền tiêu của ta là Mộc Hóa và Đức Huệ để làm bàn đạp tấn công các khu vực khác và tạo áp lực mạnh mẽ trên toàn tuyến Tây Nam.

+Góp phần to lớn trong việc làm tiêu hao quân lực, giảm sút tinh thần quân địch, tạo đà thắng lợi cho ta trong đợt tấn công trên toàn tuyến biên giới Campuchia cuối tháng 12/1978. Sang năm 1979, những tên địch cuối cùng đã tháo chạy về phía bên kia biên giới.

+Thắng lợi của chiến tranh biên giới Tây Nam không chỉ đập tan âm mưu xâm lược nước ta của Pôn-pốt-Iêng-xa-ry mà còn góp phần quan trọng đưa đất nước Campuchia thoát khỏi đại họa diệt chủng lớn nhất trong lịch sử của đất nước này.

Với những thành tích to lớn đó, Công an nhân dân vũ trang Long An được tặng thưởng Huân chương quân công hạng ba. Đặc biệt, nhân kỷ niệm ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, đồn Long Khốt được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”, vào ngày 22/12/1979. Chủ tịch Tôn Đức Thắng tặng 2 lẵng hoa cho đồn Long Khốt và Đại đội 3 Công an nhân dân vũ trang, 57 huân chương chiến công cho tập thể và cá nhân cùng nhiều bằng khen.

Những đóng góp về thành tích qua các trận đánh tiêu biểu nêu trên và sự cống hiến, hy sinh to lớn của liệt sĩ, cán bộ, chiến sĩ ta trên chiến trường Long Khốt đã góp phần quan trọng trong công cuộc giải phóng, bảo vệ đất nước xứng đáng được ghi nhận, tri ân và tôn vinh.

5.SINH HOẠT VĂN HÓA TÍN NGƯỠNG LIÊN QUAN ĐẾN DI TÍCH

5.1.Quá trình hình thành và phát triển của lễ hội

Di tích đồn Long Khốt được UBND tỉnh Long An xếp hạng năm 1997. Đến năm 2000, UBND huyện Vĩnh Hưng xây dựng bia ghi danh 47 gồm liệt sĩ xã Thái Bình Trung và liệt sĩ đồn Long Khốt hy sinh qua các thời kỳ. Nhân ngày khánh thành bia 19/5/2000, nhân dân địa phương tự nguyện cùng nhau đến thắp hương, cúng giỗ liệt sĩ và thành lệ cho đến ngày nay.

Năm 2004-2005, đền thờ được dựng bằng cây lá đơn sơ để thờ Bác Hồ, bàn thờ thổ công cúng giỗ liệt sĩ. Bên trong đền, ở gian giữa có bàn thờ liệt sĩ, bên trái là và trên 2 vách hông có treo danh sách liệt sĩ Trung đoàn đoàn 174 được đánh máy trên giấy Ao .

Từ năm 2006, ngày giỗ có thêm các vị lãnh đạo đại diện của Trung đoàn 174 và các đơn vị của Sư đoàn 5 về tham dự lễ giỗ liệt sĩ.

Giai đoạn năm 2000- 2009, số lượt người về dự lễ sinh nhật Bác và giỗ liệt sĩ tăng dần nhưng vẫn chưa đông (khoảng 100-150 người), bao gồm, các cơ quan ban ngành huyện, xã và nhân dân.

Kể từ năm 2009- 2014, đền, bia được xây dựng lại kiên cố, khang trang. Người dân trong huyện biết đến sự cống hiến hy sinh của cán bộ, chiến sĩ trung đoàn 174 và các đơn vị của Sư đoàn 5 ngày càng nhiều. Trung bình mỗi năm có khoảng 300- 500 lượt người đến dâng hương, cúng giỗ. Trong đó, số cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ cũng về tham gia ngày càng tăng.

Từ năm 2014- 2018 là từ 500- 1000 lượt khách. Ngoài khách ở ngày lễ hội, mỗi năm, địa phương và đồn biên phòng còn tiếp khoảng từ 5-10 đoàn khách tham quan. Thành phần khách tham dự còn có các nhà báo, đài, tạp chí trong nước.

Qua số liệu nêu trên cho thấy giá trị quan trọng của lễ hội.  Lễ hội có quá trình hình thành và phát triển nhanh, quy mô ngày càng lớn mặc dù mới hình thành  từ năm 2000 đến nay. Bên cạnh việc giá trị được nâng cao lễ hội do quy mô ngày càng lớn thì ý nghĩa lễ hội cũng phát triển theo chiều hướng tích cực hơn. Ban đầu lễ hội chỉ là nơi tín ngưỡng, tưởng niệm quy mô nhỏ trong ấp, xã đến nay đã trở thành một địa điểm tâm linh, nơi giáo dục truyền thống của huyện, tỉnh và cả nước.

5.2.Nội dung lễ hội

-Tên lễ hội: lễ hội tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Cụ thể là lễ hội tri ân các anh hùng liệt sĩ đã hy sinh trên chiến trường Long Khốt kết hợp giỗ hội (giỗ các liệt sĩ này).

-Đối tượng tưởng niệm, tín ngưỡng

Từ năm 2000- 2004, đối tượng tri ân tưởng niệm và giỗ là Bác Hồ và 47 liệt sĩ xã Thái Bình Trung và đồn Long Khốt hy sinh qua các thời kỳ. Buổi lễ còn ôn lại chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam đầu năm 1978.

Từ năm 2004- 2005, ngoài những đối tượng nêu trên, nghi lễ còn thêm phần quan trọng là tưởng niệm liệt sĩ Trung đoàn 174 thuộc Sư đoàn 5 hy sinh trên chiến trường Long Khốt. Đối tượng tín ngưỡng thờ thổ công.

Từ năm 2006 đến nay, con số liệt sĩ Trung đoàn 174 và các trung đoàn khác của sư đoản 5 được cập nhập bổ sung tăng đến hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Long Khốt. Vì vậy, chương trình nghi lễ ngày càng được tổ chức long trọng và chu đáo.

+Đối tượng tín ngưỡng: ngoài các đối tượng tưởng niệm trên còn có đối tượng tín ngưỡng là Thổ công.

-Địa điểm diễn ra lễ hội tại di tích Khu vực Long Khốt:

+Đồn Long Khốt là địa điểm chính thực hiện các lễ tri ân tưởng niệm anh hùng liệt sĩ và lễ giỗ hội.

+Đoạn sông Long Khốt chảy qua khu vực đồn Long Khốt là địa điểm thực hành nghi lễ thả hoa đăng kết hợp cầu siêu cho vong linh hàng trăm liệt sĩ đã hy sinh trên dòng sông Long Khốt.

+Nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng nơi diển ra lễ viếng, thắp hương cho liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng và mộ một số liệt sĩ Sư đoàn 5.

-Chương trình lễ hội tri ân các anh hùng, liệt sĩ

Lễ hội này bao gồm lễ tưởng niệm anh hùng, liệt sĩ do Đảng bộ, chính quyền địa phương và Sư đoàn 5 tổ chức có sự tham dự của đông đảo các cơ quan hữu quan và các cựu chiến binh, gia đình liệt sĩ Sư đoàn 5 kết hợp chặt chẽ với giỗ hội dân gian. Giỗ do người dân Thái Bình Trung và các xã lân cận tự nguyện tham gia đóng góp cùng nhau làm giỗ nhằm tri ân các anh hùng liệt sĩ đãi khách tham dự. Trong những năm gần đây, lễ hội diễn ra theo hướng quy mô ngày càng lớn.

Chương trình lễ hội diễn ra trong 2 ngày 18 và 19/5 như sau:

+Ngày 18/5, đón tiếp và bố trí chỗ nghỉ cho các đoàn khách là cựu chiến binh và thân nhân liệt sĩ, tổ chức lễ thắp hương tại nghĩa trang liệt sĩ huyện Vĩnh Hưng trong đó có một số mộ các liệt sĩ của Sư đoàn 5, làm lễ thắp hương tưởng niệm tại bia, đền thờ liệt sĩ Long Khốt, dùng cơm thân mật, lễ thả hoa đăng và giao lưu văn nghệ hát với nhau.

+Ngày 19/5 có các chương trình như: đón tiếp đại biểu, trồng cây nhớ Bác, lễ thắp hương tưởng niệm anh hùng liệt sĩ, văn nghệ chào mừng, tuyên lý do, giới thiệu đại biểu, đại diện Đảng ủy xã Thái Bình Trung báo cáo kết quả xây dựng và phát triển kinh tế xã hội, quốc phòng an ninh năm trước và phương hưng nhiệm vụ năm sau, đại diện đồn Long Khốt ôn lại truyền thống, phát biểu của Ban liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 174 và đại biểu, tặng quà cho các gia đình chính sách, khó khăn và học sinh nghèo, phát biểu đáp từ của UBND xã Thái Bình Trung, dùng cơm thân mật và văn nghệ giao lưu.

-Kinh phí, lễ hội tại di tích lịch sử đồn Long Khốt được thực hiện theo mô hình Nhà nước tổ chức và quản lý. Nhân dân tham gia đông đảo theo tinh thần tự nguyện tự giác. Phần chi phí lễ hội được nhân dân đóng góp tự nguyện và đủ chi cho lễ hội. Tinh thần đóng góp, tham gia lễ hội của nhân dân nơi đây rất đáng trân trọng: hàng năm, người dân đóng góp trên chục con bò, heo và các lễ vật khác để cúng liệt sĩ và đãi khách.

Nhìn chung, lễ hội ở di tích tương tự như lễ tri ân các anh hùng liệt sĩ kết hợp với giỗ hội dân gian. Đây là dịp để Đảng bộ, chính quyền nhân dân địa phương và toàn thể đại biểu tham dự của Sư đoàn 5, thân nhân liệt sĩ ôn lại truyền thống, tri ân, thắp hương cho Bác Hồ, liệt sĩ, thổ công cầu mong cho quốc thới, dân an. Việc nhân dân tự nguyện tham gia, đóng góp cho lễ hội ngày càng đông thể hiện được tinh thần yêu nước, truyền thống “uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây” ngày càng được vun bồi, nhân rộng.

6.KHẢO TẢ DI TÍCH

-Chi khu Long Khốt (1972-1975)

Chi khu nằm trên gò đất cao, xung quanh là đồng ruộng thấp trống trải. Đây là một công trình quân sự vững chắc có dạng tứ giác, rộng khoảng 4 ha. Kết cấu  công trình gồm ngoài là 9-11 lớp rào các loại. Ngoài lớp rào thứ 8 là hào chống tăng rộng 3m, sâu 1,5m. Xen giữa các hàng rào địch bố trí các bãi mìn chống xe tăng và bộ binh. Tính từ lớp rào ngoài cùng vào trong khoảng 400m là bức tường hộp bao quanh các chốt tứ giác và tam giác, các góc đều có lô cốt. Trong chi khu còn có hệ thống giao thông hào và hầm ngầm nối ra các vị trí trong chi khu và một số công trình nhà làm việc, nhà ở, chợ, sân bay trực thăng, bệnh xá. Tuy nhiên, qua các trận đánh ác liệt nêu trên, các công trình trên mặt đất bị hư hỏng như: chốt canh, tường, rào.v.v.

-Đồn Long Khốt đầu năm 1978

Đồn Long Khốt được thành lập vào ngày 10/8/1975 ngay trong khu vực chi khu Long Khốt. Đồn đã tận dụng sửa chữa bố phòng kiên cố của chi khu trước đó. Lớp ngoài cùng xung quanh đồn là giao thông hào chống tăng, kế trong đó là lớp rào chống B40 (cao 2,5m), bao bọc ngoài lớp rào chống B40 cao 2,5m là 8 lớp rào các loại chống bộ binh, xe tăng chống đột nhập. Bên trong nữa là bờ thành đất cao 1,5m, dày 2,5m có các công sự. Trung tâm đồn đặt một công sự chỉ huy, có 4 hầm xếp bao cát ẩn nấp chiến đấu, 02 công sự cối 82 ly (mỗi công sự một khẩu), 1 công sự cứu thương, 4 góc đồn là 4 công sự ẩn nấp chiến đấu rất kiên cố, rải rác còn có các công sự ẩn nấp.

Với trang bị trên, đồn phụ trách bảo vệ đoạn biên giới dài 27km, sâu 5km của hai huyện Mộc Hóa và Vĩnh Hưng thuộc địa bàn xã Thái Bình Trung và Thái Trị. Sang năm 1979, Bộ đội biên phòng Long An phụ trách nhiệm vụ của đồn.

Sau chiến tranh biên giới Tây Nam năm 1978, phần lớn các công trình này bị bom đạn tàn phá không còn gì trừ bờ thành đất, di tích còn lại của chi khu gồm: là một nền của kho K4, một lô cốt được khoanh vùng đỏ để bảo vệ các di tích nói trên.

+Kho K4 (kho quân trang và quân dụng) nằm ngay góc đông nam của khu vực bảo vệ I (vùng đỏ trên bản đồ). Vết tích còn lại của kho là nền và cột kèo bằng bê tông trong tình trạng hư hỏng. Nền kho có kích thước ngang 6,45m dài 12,5m (ảnh 55,56).

+Lô cốt nằm trên mặt đất ngay góc tây bắc của khu vực bảo vệ I, được xây bằng bê tông cốt thép, kích thước ngang 3,4m, dài 5,8m và cao 1,65m. 2/3 thành lô cốt bị vỡ mất (ảnh 57, 58).

-Đồn Long Khốt hiện nay

Đồn vẫn nằm ở vị trí cũ. Khu đất đồn tọa lạc có dạng hình chữ nhật được bao quanh bởi bờ thành đất, có tổng diện tích khuôn viên khoảng 14.700m2. Hiện nay, cơ sở vật chất và lực lượng biên phòng đã thay đổi hoàn toàn. Chỉ còn bờ thành đất nói trên được gia cố kiên cố hơn (cao 1,5m, rộng 2,5m) để chống lũ và làm rào cản chiến đấu.

Năm 1987, toàn bộ các công trình kiến trúc trong đồn như cổng đồn, nhà ở, nhà làm việc, kho.v.v. được xây mới bằng bê-tông, thép, mái lợp tôn và ngói (loại nhà cấp 4). Các dãy nhà được bố trí theo dạng chữ U. Cổng đồn và ngôi nhà trung tâm quay về hướng Nam, hướng lộ 837C.

-Hiện trạng di tích lịch sử cấp tỉnh Đồn Long Khốt

Di tích có diện tích khoanh vùng bảo vệ 1.000 m2 tọa sát bên trái cổng vào đồn Long Khốt. Tổng thể gồm các công trình kiến trúc như: cổng di tích, bia tưởng niệm, đền thờ liệt sĩ, sân và nhà vệ sinh.

+Cổng và rào xung quanh khu di tích bằng bê tông cốt thép. Cổng vào trang trí mái ngói vảy cá, màu hồng trông như mái chính của cổng tam quan.

+Nhà bia được xây dựng mới, bia được nâng cấp năm 2005, nằm giữa khoảng sân rộng đúc bê tông là nhà bia có diện tích 6m x 6m. Nhà bia xây kiểu tứ trụ, có 2 lớp mái, lợp ngói ống, các đầu đao được thay thế bằng áng mây cách điệu như 2 cuộn sóng đối đầu nhau. Cột bằng bê tông cốt thép tròn. Nền lát gạch men màu vàng nhạt. Bia là khối hình chữ nhật đặt trên bệ bê tông cao 50 cm. Mặt trước bia lồi gấp khúc theo chiều dọc chia mặt bia ra làm 3 phần: bên trái ghi danh sách liệt sĩ xã Thái Bình Trung hi sinh qua các thời kỳ, ở giữa ghi văn bia Long Khốt, bên phải ghi danh sách liệt sĩ đồn Long Khốt hy sinh qua các thới kỳ. Trên cùng của bia ghi dòng chữ “Tổ quốc ghi công”.

+Đền thờ liệt sĩ

Cách sau nhà bia 4m là đền thờ liệt sĩ. Năm 2004- 2005, đền thờ được dựng bằng cây lá đơn sơ để thờ, cúng giỗ liệt sĩ. Bên trong đền, ở gian giữa có bàn thờ liệt sĩ, bên trái là bàn thờ thổ công và trên 2 vách hông có treo danh sách liệt sĩ Trung đoàn đoàn 174 được đánh máy trên giấy Ao .

Năm 2008, nhờ kinh phí xã hội hóa, Báo Sài Gòn Giải Phóng kết hợp với  Ban chỉ huy Bộ đội biên phòng tỉnh Long An và cấp ủy, chính quyền địa phương huyện Vĩnh Hưng, xã Thái Bình Trung và Thái Trị xây dựng đền thờ liệt sĩ kiên cố bằng bê tông, thép, mái lợp tôn giả ngói, theo kiểu tứ trụ, diện tích đền rộng 15m, dài 12m.

Bên trong đền, phía phải, sát cửa giữa treo một chuông đồng có kích thước cao: 0,95m đường kính: 1,7m, nặng 150kg. Chuông được đúc năm 2009, do một số cựu chiến binh đóng góp. Trong đó tài trợ chính là đại tá Trần Thế Tuyển và ông Trình Tự Kha (cựu chiến binh Trung đoàn 174). Hai nhà tài trợ chính có tên được đúc nổi trên thân chuông. Khi nấu đồng đúc chuông còn có thêm hai cây vàng được nấu chảy hòa cùng nguyên liệu do một cựu chiến binh là doanh nhân Hoàng Minh Sơn đóng góp. Ngoài ra, trên thân chuông có đúc nổi 4 câu thơ:

“Thân ngã xuống thành đất đai tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia

Ngàn năm mãi mãi ngân nga

Tiếng chuông Long Khốt gấm hoa dâng người”.

Bên dưới 4 câu thơ ghi tên tác giả Trần Thế Tuyển và Trình Tự Kha.

Cuối gian giữa là bàn thờ Bác Hồ và liệt sĩ rộng 1,6m, cao 70-120cm, được xây bằng bê tông ốp gạch men màu đen, dạng tam cấp. Bậc cao nhất đặt thờ tượng bán thân Bác Hồ, 2 bậc còn lại đặt chân đèn, lư hương, bình hoa. Vách phong sau bệ thờ sơn màu đỏ thẩm phía trên vách treo bức hoành bằng gỗ hình án thư ghi dòng chữ “Đời đời nhớ ơn các anh hùng liệt sĩ”. 

2 bên bàn thờ có ốp đôi câu đối được khắc trên gỗ:

Thân ngã xuống thành đất đai Tổ quốc

Hồn bay lên hóa linh khí quốc gia”.

Bên trái đặt tượng Phật Di Lặc ngồi bằng gỗ cao 70cm, tượng được đặt trên 3 trụ tròn. Bên trái tượng này là bàn thờ Thổ công.

Danh sách liệt sĩ Trung đoàn 174 được khắc trên bia đá ốp vào vách tường. Năm 2016, khắc thêm danh sách liệt sĩ Trung đoàn 5 Sư đoàn 5. Đến nay, trên bia đã khắc tên 720 liệt sĩ trung đoàn 174 và Trung đoàn 5 (Sư đoàn 5).

Nhìn tổng thể, khu di tích cấp tỉnh đồn Long Khốt khang trang sạch sẽ nhưng có diện tích và quy mô nhỏ. Trong những năm gần đây, vào ngày lễ hội có 400-500 khách tham dự lễ tưởng niệm, thắp hương, sinh hoạt văn hóa nên không gian cho lễ hội chật hẹp, bất tiện.

7.SƠ ĐỒ PHÂN BỐ HIỆN VẬT THUỘC DI TÍCH

Di tích là các trận đánh ác liệt, nên các chứng tích đến nay hầu như bị phá hủy, chỉ còn bờ thành đất cao khoảng 2 m như đã nêu trên. Nhiều mộ liệt sĩ được chôn tập thể đến nay chưa xác định được vị trí.

Các hiện vật trong đền thờ là hiện vật hiện đại được tạo tác trong vài năm gần đây. Trong đó, tiêu biểu là chiếc chuông được treo bên phải cạnh cửa giữa, trong gian giữa đền thờ liệt sĩ.

8.GIÁ TRỊ DI TÍCH

-Giá trị lịch sử

+Di tích lịch sử khu vực Long Khốt là địa điểm lưu niệm những sự kiện đặc biệt quan trọng của 2 giai đoạn lịch sử khác nhau, gồm:

*Những cống hiến, hy sinh to lớn của Trung đoàn 174 và các đơn vị trực thuộc Sư đoàn 5 giai đoạn 1972- 1975 trên chiến trường Long Khốt (Tuyên Bình) góp phần quan trọng làm thay đổi tương quan lực lượng giữa ta và địch, giải phóng vùng 8 (cuối tháng 12/1974), khai thông tuyến hành lang biên giới quan trọng giữa Đông và Tây Nam Bộ, làm tiêu hao, suy yếu quân lực địch ở Kiến Tường nói riêng và Long An nói chung, góp phần quan trọng vào thành công của chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử (30/4/1975).

*Ghi dấu sự kiện lịch sử trọng đại- chiến công 43 ngày đêm chống xâm lược biên giới Tây Nam, bảo vệ độc lập chủ quyền lãnh thổ của bộ đội biên phòng và lực lượng vũ trang Long An năm 1978.

+Tinh thần chấp hành nhiệm vụ, sẵn sàng chiến đấu, hy sinh cho Tổ quốc của cán bộ, chiến sĩ Sư đoàn 5 và lực lượng vũ trang địa phương tỉnh Kiến Tường (1972-1975); cán bộ, chiến sĩ đồn Long Khốt và lực lượng vũ trang tỉnh Long An (1978) trên chiến trường ác liệt Long Khốt là tấm gương sáng ngời chủ nghĩa yêu nước cách mạng. Tấm gương này được tạo nên bởi biết bao mồ hôi, nước mắt, xương máu và tính mạng của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân mà mỗi khi soi rọi chúng ta có thể thấy rõ con đường đúng đắn để định hướng cho hiện tại và tương lai.

+Đây là di sản vật chất “trực quan sinh động” mang giá trị giáo dục hiệu quả hơn ngàn lời thuyết phục trong phát huy chủ nghĩa yêu nước anh hùng cách mạng cũng như trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

+Di tích là nơi lưu dấu về những chiến tích và tinh thần quật khởi, yêu nước nồng nàn chống ngoại xâm của quân và dân Việt Nam trong chiến đấu chống giặc ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc; là lời nhắc nhở, cảnh tỉnh cho bất cứ thế lực phản động nào muốn xâm lược hay âm mưu chống phá cách mạng Việt Nam.

+Di tích là niềm tự hào của quân và dân ta trong lịch sử chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc.

-Giá trị an ninh quốc phòng

+Mỗi tấc đất, gốc cây, ngọn cỏ trên chiến trường Long Khốt thấm đẩm máu xương, mồ hôi, nước mắt của cán bộ, chiến sĩ Long An và hơn 1.000 liệt sĩ của Sư đoàn 5 khẳng định di tích là một địa điểm chứng tích lịch sử đặc biệt chân thực, một “cột mốc ” biên giới quan trọng trong xác định chủ quyền lãnh thổ biên cương tổ quốc.

+Di tích có giá trị hàng đầu trong giáo dục kiến thức và truyền thống về bảo vệ an ninh quốc gia, cụ thể là bảo vệ biên giới Tổ quốc cho muôn đời sau.

+Đây là điểm mốc tốt đẹp trong xây dựng tình hữu nghị giữa nhân dân 2 nước Việt Nam – Campuchia. Giữ vững mối giao hòa hữu nghị này góp phần quan trọng trong việc phòng vệ chống xâm lược từ phía biên giới Tây Nam tổ quốc.

-Giá trị văn hóa

+Lễ tri ân anh hùng liệt sĩ hòa quyện cùng lễ giỗ hội dân gianmột mỹ tục mang tính văn hóa truyền thống “Uống nước, nhớ nguồn” có vai trò quan trọng trong việc gìn giữ ngọn lửa gắn kết cộng đồng, gắn kết Đảng bộ, chính quyền và nhân dân.

+Lễ hội không chỉ thỏa mãn nhu cầu tâm linh của đông đảo nhân dân, thân nhân liệt sĩ, lễ hội còn là nơi lưu giữ, giao lưu, giải trí, ôn lại truyền thống văn hóa cộng đồng thiết thực, hiệu quả, góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần cho nhân dân.

+Bên cạnh giá trị lịch sử sâu sắc, lễ hội mang giá trị văn hóa truyền thống dân gian cao đẹp này có xu hướng phát triển quy mô hơn trong thời gian tới như một viên ngọc quý ngày càng tỏa sáng nơi góc trời biên cương của Tổ quốc.

-Giá trị kinh tế

Di tích được bảo tồn và phát huy theo dự án đang được tiến hành (được nêu ở đề mục 10) không chỉ góp phần quan trọng nâng cao đời sống văn hóa, ổn định chính trị xã hội mà còn góp phần đẩy mạnh khai thác kinh tế du lịch địa phương một cách bền vững.

+Di tích là điểm du lịch, về nguồn quan trọng trong hệ thống tuyến điểm tham quan du lịch của Vĩnh Hưng như: di tích khảo cổ cấp quốc gia Gò Ô Chùa, thắng cảnh cấp tỉnh Gò Chùa Nổi, đồng sen Thái Trị, chợ biên giới Campuchia.v.v.

+Kết hợp khai thác được thế mạnh của các điểm di tích, thắng cảnh trong đó có di tích Khu vực Long Khốt với đặc trưng văn hóa ẩm thực Đồng Tháp Mười.v.v. là yếu tố cơ bản không thể thiếu trong khai thác dịch vụ du lịch cũng như bảo tồn và phát huy tốt giá trị văn hóa di tích.

Với những giá trị lịch sử, văn hóa, kinh tế nêu trên, di tích lịch sử Khu vực Long Khốt xứng đáng được công nhận là di tích cấp quốc gia, có cơ sở pháp lý xứng đáng để bảo tồn và phát huy giá trị.

9. THỰC TRẠNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

-Cơ sở pháp lý

+Di tích lịch sử đồn Long Khốt, địa điểm ghi dấu chiến công 43 ngày đêm chiến đấu bảo vệ biên giới Tây Nam năm 1978 đã được UBND tỉnh Long An xếp hạng năm 1997.

+Riêng phần bổ sung cho di tích những cống hiến to lớn của Sư đoàn 5 vẫn chưa có cơ sở pháp lý. Đây là phần có giá trị quan trọng trong di tích cần được bảo tồn và phát huy giá trị. Vừa qua, Viện Lịch sử Quân sự Việt Nam đã xác định vị trí và đánh giá ý nghĩa lịch sử địa danh Long Khốt và có ý kiến giá trị di tích xứng đáng “xếp hạng di tích lịch sử lưu niệm sự kiện cấp quốc gia” tại Công văn số 81/VLS-KCCM ngày 26/2/2018 (Phụ lục 2). Trên cơ sở hồ sơ trích ngang di tích lịch sử Khu vực Long Khốt và ý kiến của Viện lịch sử Quân sự Việt Nam, Cục Di sản có Công văn số 247/DSVH-DT ngày 18/4/2018 về việc thỏa thuận hồ sơ trích ngang DTLS Khu vực Long Khốt, xã Thái Bình Trung, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An “ thống nhất với đề nghị của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Long An về việc lập hồ sơ di tích lịch sử khu vực Long Khốt…” (phụ lục 1).

+Lễ hội gắn với di tích, ngoài ý nghĩa lễ tưởng niệm anh hùng liệt sĩ còn là một lễ giỗ lớn cho hơn 1.000 liệt sĩ hy sinh trên chiến trường Long Khốt. Vì vậy, đây là lễ hội lịch sử - văn hóa quy mô lớn, có ý nghĩa lịch sử, văn hóa và giáo dục đặc biệt quan trọng cần được bảo tồn và phát huy. Di tích được nâng cấp quốc gia là điều kiện thuận lợi cho lễ hội hoạt động và là phương thức cần thiết, đầu tiên, quan trọng trong bảo tồn và phát huy giá trị di tích.

-Tình trạng bảo quản và phát huy giá trị di tích

Di tích lịch sử Đồng Long Khốt là di tích cấp tỉnh do UBND xã Thái Bình Trung và Đồn biên phòng Long Khốt trực tiếp quản lý và bảo quản tốt. Trong những năm gần đây, giá trị lịch sử, văn hóa của di tích ngày càng được nhân dân biết đến. Tuy nhiên, số người biết đến di tích có giới hạn, mang tính “nội bộ” chủ yếu là nhân dân của xã Thái Bình Trung và một số xã lân cận như Thái Trị, Tuyên Bình, thị trấn Vĩnh Hưng và các cựu chiến binh cùng thân nhân liệt sĩ.

Di tích cấp tỉnh đồn Long Khốt có diện tích nhỏ hẹp (1.000m2) nên không gian sinh hoạt lễ hội không đủ cũng như chưa thể hiện, chuyển tải đủ, nội dung, giá trị vốn có của di tích trong công tác trưng bày, quảng bá.

Với giá trị, thực trạng và bảo vệ trên, di tích lịch sử Khu vực Long Khốt xứng đáng được nâng cấp quốc gia, để địa phương có cơ sở pháp lý trong công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích. Việc nâng cấp này còn là trách nhiệm, là tri ân và cần thiết của Đảng, Nhà nước và nhân dân hôm nay, mai sau đối với công lao của các chiến sĩ cách mạng chiến đấu nơi chiến trường Long Khốt và vong linh của hơn 1.000 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh tại đây.

10. PHƯƠNG HƯỚNG BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY GIÁ TRỊ DI TÍCH

10.1.Về phía chính quyền địa phương và Ban Liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 5, Ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174

Nhận thức được tầm quan trọng của việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích này, xây dựng “cột mốc biên cương” thông qua giá trị di tích và tượng đài đối với một khu vực có địa bàn trọng yếu như huyện Vĩnh Hưng, UBND huyện phối hợp chặt chẽ với Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 đang tiến hành quy hoạch và lập dự án phát huy giá trị di tích để thực hiện sau khi di tích được nâng cấp quốc gia.

-Vì khu vực khoanh vùng bảo vệ của di tích cấp tỉnh trước đó nhỏ hẹp không đủ không gian cho lễ hội, các công trình bên trong chưa xứng tầm, chưa chuyển tải hết nội dung, giá trị di tích, nên UBND huyện Vĩnh Hưng đã quy hoạch và tiến hành khoanh vùng bảo vệ cho di tích là 3,2ha, gồm phần đất của di tích cấp tỉnh mở rộng. Khu vực khoanh vùng thuộc đất công đã được quy hoạch và trong giai đoạn lập dự án thiết kế. Các hạng mục công trình trong dự án tập trung thực hiện 6 hạng mục công trình và nội dung tiêu biểu cho di tích như:

+Tu bổ, nâng cấp hoặc xây dựng mới đền thờ liệt sĩ có quy mô công trình lớn hơn trước.

+Xây dựng nhà trưng bày hiện vật truyền thống và sinh hoạt cộng đồng trong đó có sa bàn thể hiện Long Khốt qua các giai đoạn lịch sử nhất là giai đoạn chống Mỹ.

+Xây dựng tượng đài: di dời bia trước sân hiện nay để xây dựng tượng đài (thờ vọng) các anh hùng, liệt sĩ đã hy sinh trên biên giới Tây Nam và làm nghĩa vụ quốc tế ở Campuchia. Tượng đài còn có ý nghĩa  như một cột mốc biên cương của tổ quốc.

+Không gian còn lại trồng hoa cảnh và các công trình phụ.

+Xây dựng cầu Long Khốt.

+Phát hành các bộ phim, các phát hành ấn phẩm sách, báo về di tích.

-Về kinh phí: Kinh phí bảo tồn và phát huy tác dụng di tích có 2 nguồn chính: nhà nước và xã hội hóa.

-Vừa qua, UBND huyện đã đầu tư 200.000.000 đồng (hai trăm triệu đồng) san lắp mặt bằng khu quy hoạch.

Ngoài các nguồn do nhà nước hỗ trợ, còn lại do Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 đứng ra làm công tác xã hội hóa.

10.2.Ý kiến chuyên môn

Việc quy hoạch và lập dự án trước cho di tích lịch sử khu vực Long Khốt là một việc làm mang tính trách nhiệm, có tầm nhìn xa, rộng của UBND huyện Vĩnh Hưng và các Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 5. Nội dung các hạng mục được nêu trong công trình là rất hợp lý và cần thiết cho công tác bảo tồn và phát huy giá trị di tích, trong giáo dục lịch sử truyền thống cũng như góp phần phát triển kinh tế (du lịch), thỏa mãn nhu cầu hưởng thụ văn hóa của nhân dân vào dịp lễ hội. Đây là phương án bảo tồn bền vững gắn với việc phát triển kinh tế, xã hội của địa phương.

Bảo tàng, Thư viện tỉnh, UBND huyện Vĩnh Hưng, Ban Liên lạc cựu chiến binh trung đoàn 174 đã thống nhất khoanh vùng bảo vệ di tích với tổng diện tích là 27.614 m2 như sau: Khu vực I (vùng đỏ  trên bản đồ là khu vực bất khả xâm phạm) có diện tích 1.000 m2, khu vực II (vùng xanh trên bản đồ là khu vực tôn tạo) có diện tích 26.614 m2. Hiện tại, khu vực I còn lưu dấu tích nền móng kho K4  chứa quân trang, quân dụng và một lô cốt của Chi khu Long Khốt.

Việc sưu tầm các sưu tập hiện vật, thông tin có liên quan đến di tích, thiết kế các hộp hình sa bàn trận đánh là vấn đề cấp thiết để sau khi xây dựng nhà truyền thống sẽ phát huy hiệu quả giá trị di tích.

 11.KẾT LUẬN

Di tích lịch sử Khu vực Long Khốt là nơi lưu dấu những cống hiến, hy sinh to lớn của Sư đoàn 5 và các đơn vị phối hợp trong giai đoạn 1972- 1975 và chiến công 43 ngày đêm bảo vệ biên giới Tây Nam tổ quốc năm 1978 của Bộ đội biên phòng Long An gắn với lễ hội có giá trị lịch sử, văn hóa quan trọng và quý báu như đã phân tích ở phần giá trị. Đây là tài sản vật chất, tinh thần vô giá của quốc gia cần được triệt để phát huy trong giáo dục lịch sử cách mạng, lòng yêu nước, truyền thống văn hóa, “uống nước, nhớ nguồn”, khơi gợi ngọn lửa nhiệt tình phục vụ cách mạng trong bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước. Di tích và các công trình của dự án được thực hiện trong tương lai còn có giá trị quan trọng trong khẳng định chủ quyền lãnh thổ cũng như giao lưu vun đắp tình hữu nghị giữa 2 nước Việt Nam và Camphuchia. Ngoài ra, di tích còn là nguồn tiềm năng lớn trong khai thác du lịch, phát triển kinh tế bền vững của địa phương.

Vì vậy, di tích khu vực Long Khốt hội tụ đủ những yếu tố để xếp hạng di tích quốc gia nhằm bảo vệ và phát huy hiệu quả những giá trị của di tích, phục vụ nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương, cũng như thể hiện “đạo lý uống nước nhớ nguồn” của người Việt Nam. Sau khi di tích được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xếp hạng, các cơ quan chuyên môn và địa phương có nhiệm vụ tổ chức thực hiện bảo tồn, tôn tạo để phát huy giá trị di tích.

12. TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Nguyễn Đình Đầu, 1994, Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ Lục tỉnh, NXB TP.Hồ Chí Minh.

2.Nguyễn Quang Ân. 1997, Việt Nam những thay đổi địa danhh và địa giới các đơn vị hành chính 1945-1997, NXB.Văn hóa Thông tin Hà Nội trang 247.

3.Bộ Tư lệnh quân khu 7, 2014, 400 trận đánh của Lực Lượng vũ trang quân khu 7 (1945-1989), NXB. Chính trị Quốc gia.

4.Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh, 2013, Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 174 anh hùng (1949-2012), NXB Quân đội nhân dân.

5.Ban chỉ đạo viết sử tỉnh Long An, 1999, Vĩnh Hưng lịch sử truyền thống Cách mạng.

6.Ban chấp hành Đảng bộ xã Thái Bình Trung, 2013, Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng của Đảng bộ và nhân dân xã Thái Bình Trung (1930-2005).

7.Nguyễn Tấn Quốc, 1997, Lí lịch di tích lịch sử đồn Long Khốt, tư liệu Bảo tàng Long An, 1997.

8.Tài liệu “Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An chiến đấu Bảo vệ khu vực Long Khốt” do đồn biên phòng Long Khốt cung cấp ngày 16/5/2017.

9.Đại tá Trần Thế Tuyển, “Long Khốt linh thiêng và gần gũi” đăng trên tạp chí Thương hiệu Việt số 89+90/ 2017.

CÁC NHÂN CHỨNG CUNG CẤP THÔNG TIN:

1.Đại tá Bùi Đức Trần, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 174, Sư đoàn Trưởng Sư đoàn 5, nguyên cố vấn cao cấp Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174, đã mất (tháng 06/2018).

2.Thượng tá Võ Văn Sô, Phó trưởng Ban thường trực Ban liên lạc truyền thống Sư đoàn 5, Quân Khu 7, nguyên Phó giám đốc, Bí thư Đảng ủy bệnh viện quân dân y miền Đông, quân khu 7.

3.Thượng tá Nguyễn Quốc Tuy, Phó ban thường trực Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 5, Sư đoàn 5.

4.Đại tá Nguyễn Văn Bạch, Trưởng Ban liên lạc cựu chiến binh Sư đoàn 5, nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân khu 7.

5.Đại tá Trần Thế Tuyển, nguyên Tổng Biên tập Báo Sài Gòn Giải phóng, hiện là Trưởng ban Liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 tại Tp. Hồ Chí Minh, miền Nam.

6.Ông Trình Tự Kha, nguyên Khẩu đội trưởng pháo DKZ trong trận đánh chi khu Long Khốt ngày 28/4/1974, nguyên Tổng giám đốc công ty cổ phần du lịch Golf Việt Nam (VINAGOLF), hiện là Phó Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174 tại TP.Hồ Chi Minh.

7.Đại úy Nguyễn Đồng Bằng, Ủy viên Ban liên lạc cựu chiến binh Trung đoàn 174.

8.Đại tá Nguyễn Xứng, nguyên Trung đoàn trưởng Trung đoàn 55, Sư đoàn 5 (đã mất tháng 1/2019).

9.Đại tá Lê Thanh Song, nguyên Trưởng Phòng chính sách CCT Quân khu 7.

10.Trung tá Nguyễn Bá An, Chính ủy Trung đoàn 174 (thuộc Ban chỉ huy Quân sự tỉnh Tây Ninh).

11.Đại úy Đỗ Huy Phúc, nguyên chủ nhiệm pháo binh, Trung đoàn 174.

12.Trịnh Bình Tâm, chiến sĩ Đại đội 4, Trung đoàn 174.

13.Nguyễn Xuân Sâm, chiến sĩ Ban hậu cần Bộ binh Trung đoàn 174.

14.Nguyễn Minh Sơn, Đại đội cối 82 tham gia chiến trường Long Khốt 1972-1975 thuộc C12 D6, E174.

15.Phạm Văn Bổn, sinh 1955, Trung đội trưởng Trung đội 13, E174, tham gia 1975-1977

16.Trưng Bắc Trình, sinh năm 1952, Đại úy, E174.

17.Nguyễn Cư- nguyên du kích xã Thái Bình Trung.



[1] Sau đổi phiên hiệu thành 885

[2] Thạch Phương, Lưu Quang Tuyến (chủ biên), 1989, Địa chí Long An, Nxb. Long An, trang 28.

[3] Nguyễn Đình Đầu, 1994, Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ Lục tỉnh, NXB TP.Hồ Chí Minh. Trang 265.

[4] Nguyễn Đình Đầu, 1994, Tổng kết nghiên cứu địa bạ Nam Kỳ Lục tỉnh, NXB TP.Hồ Chí Minh. Trang 95, 535.

[5] Trần Bạch Đằng (chủ biên), 1996, Địa chí Đồng Tháp Mười, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, trang 149.

[6] Ban chấp hành Đảng bộ xã Thái Bình Trung, 2013, Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng của Đảng bộ và nhân dân xã Thái Bình Trung (1930-2005), trang 8.

[7]Nguyễn Quang Ân. 1997, Việt Nam những thay đổi địa danh và địa giới các đơn vị hành chính 1945-1997, NXB.Văn hóa Thông tin Hà Nội trang 247.

[8] Ngày 24 tháng 3 năm 1994, theo Nghị định số 27-CP, tách huyện Vĩnh Hưng ra để lập huyện Tân Hưng.

[9] Ban chỉ đạo viết sử tỉnh Long An, 1999, Vĩnh Hưng lịch sử truyền thống cách mạng, trang 16.

[10] Ban chấp hành Đảng bộ xã Thái Bình Trung, 2013, Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng của Đảng bộ và nhân dân xã Thái Bình Trung (1930-2005), trang 30.

[11]Ban chấp hành Đảng bộ xã Thái Bình Trung, 2013, Lịch sử đấu tranh cách mạng và xây dựng của Đảng bộ và nhân dân xã Thái Bình Trung (1930-2005), trang 8.

[12] Thị xã kiến Tường ngày nay.

[13] Bộ Tư lệnh quân khu 7, 2014, 400 trận đánh của Lực Lượng vũ trang quân khu 7 (1945-1989), NXB. Chính trị Quốc gia. Ngày trận đánh lấy theo sách này.

[14]Ban chỉ đạo viết sử tỉnh Long An, 1999, Vĩnh Hưng lịch sử truyền thống Cách mạng, trang 264.

[15] Chiến Trường B2: từ Ninh Thuận đến Cà Mau. 

[16] Tương đương với Vùng 8 do ta đặt tên thuộc 2 huyện Vĩnh Hưng, Tân Hưng ngày nay.

[17]Ban chỉ đạo viết sử tỉnh Long An, 1999, Vĩnh Hưng lịch sử truyền thống Cách mạng, trang 272.

[18] Lịch Sử Sư Đoàn 5, người cung cấp: Đại tá Nguyễn Văn Bạch, Trưởng Ban LLCCB sư đoàn 5, nguyên Chủ nhiệm chính trị Quân Khu 7.

[19]Tài liệu “Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An chiến đấu và bảo vệ khu Long Khốt (14/1-24-2/1978), do đồn Biên Phòng Long Khốt cung cấp.

[20]Bộ Tư lệnh quân khu 7, 2014, 400 trận đánh của Lực Lượng vũ trang quân khu 7 (1945-1989), NXB. Chính trị Quốc gia, trang 1139.

[21]Bộ chỉ huy quân sự tỉnh Tây Ninh, 2013, Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 174 anh hùng (1949-2012), NXB Quân đội nhân dân, trang 215-218.

[22]Theo quyển Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 174 anh hùng, trang 219, trận đánh diễn ra từ ngày 10-12/6/1972. Theo Đại tá Nguyễn Văn Bạch, trận đánh kết thúc vào ngày 14/6/1972. Bài viết lấy ngày 16/6/1972 theo quyển 400 trận đánh của Lực Lượng vũ trang quân khu 7, trang 1139-1143, Trận đánh này xảy ra từ ngày 9-16/6/1972 là vì tài liệu này được xuất bản sau quyển Lịch sử Trung đoàn bộ binh 174 và ghi chi tiết về từng ngày trong trận đánh.

[23]400 trận đánh của Lực Lượng vũ trang quân khu 7, trang 1139-1143; Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 174 anh hùng (1949-2012), trang 218-219.

[24]Ban chỉ đạo viết sử tỉnh Long An, 1999, Vĩnh Hưng-Lịch sử truyền thống cách mạng, trang 274.

[25] Ngày xảy ra trận đánh đêm 28, ngày 29/4/1974 lấy theo quyển Lịch sử Trung đoàn Bộ binh 174 anh hùng, trang 231. Theo Vĩnh Hưng- lịch sử truyền thống cách mạng, trang 292, trận này đánh ngày 24/4/1974.

[26]Còn dược gọi là Trung đoàn 1, Trung đoàn 55, Trung đoàn 205, Trung đoàn 55.

[27]Trích từ bài viết “Long Khốt linh thiêng và gần gũi của Trần Thế Tuyển” đăng trên tạp chí Thương hiệu Việt số 89+90/ 2017, trang 17-19.

[28]Ban chỉ đạo viết sử tỉnh Long An, 1999, Vĩnh Hưng lịch sử truyền thống Cách mạng, trang 274.

[29]Theo ý kiến của Đại tá Trần Thế Tuyển ghi trong bài “Long Khốt linh thiêng và gần gũi” đăng trên tạp chí Thương hiệu Việt số 89+90/ 2017, trang 17-19.

[30]Ngày trận đánh theo lý lịch di tích lịch sử đồn Long Khốt, tư liệu Bảo tàng Long An.

[31]Tài liệu “Công an nhân dân vũ trang tỉnh Long An chiến đấu Bảo vệ khu vực Long Khốt” do đồn biên phòng Long Khốt cung cấp ngày 16/5/2017.

[32] Sau này đồng chí Nòi là đồn trưởng

[33] Lý lịch di tích lịch sử Đồn Long Khốt, tư liệu Bảo tàng Long An, 1997, trang 8.

[34] Địa danh chưa xác định

[35] Hay “Keo Già” Địa danh chưa xác định.

 

image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
 
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
image advertisement
THỐNG KÊ TRUY CẬP
  • Đang online: 1
  • Hôm nay: 1
  • Trong tháng: 1
  • Tất cả: 1
Thư viện ảnh